TIN MỚI!

Đọc nhanh >>

BĐS tuần qua: T&T Group muốn làm KĐT du lịch 50.400 tỷ, Sunshine Homes thâu tóm dự án 5.000 tỷ

Hé lộ thương vụ Sunshine thâu tóm dự án quy mô 5.000 tỷ tại Đà Nẵng; Hà Tĩnh sẽ xem xét dự án 50.400 tỷ của T&T Group sau khi có quy hoạch tỉnh; Hưng Yên có thêm khu công nghiệp gần 193ha, tổng vốn đầu tư 2.385 tỷ đồng; Delta, Cienco4, Vinaconex... đồng loạt 'kêu cứu' Thủ tướng; Lịch sử sân golf Phan Thiết trước khi vào diện theo dõi của Ban chỉ đạo... là những thông tin được quan tâm nhất trong tuần.

BĐS tuần qua: T&T Group muốn làm KĐT du lịch 50.400 tỷ, Sunshine Homes thâu tóm dự án 5.000 tỷ
BĐS tuần qua: T&T Group muốn làm KĐT du lịch 50.400 tỷ, Sunshine Homes thâu tóm dự án 5.000 tỷ

Ngày 25/6/2021, Tập đoàn T&T đã có văn bản số 344/T&T báo cáo về tình hình thực hiện dự án khu đô thị sinh thái, du lịch, vui chơi giải trí đảo Xuân Giang 2 và vùng ven Sông Lam gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Theo đó, dự án vùng Khu đô thị sinh thái, du lịch, vui chơi giải trí Đảo Xuân Giang 2 và vùng ven sông Lam sẽ là quần thể dịch vụ thương mại, đô thị, du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp có quy mô lớn, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Tĩnh, quy hoạch vùng tỉnh Hà Tĩnh, quy hoạch vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh và huyện Nghi Xuân.

T&T Group cho biết sẽ xây dựng khu nhà ở 117ha bao gồm đất ở thấp tầng và cao tầng với tổng số khoảng 3.860 căn biệt thự.

Ngoài ra, tập đoàn sẽ làm khu dịch vụ, thương mại cao cấp khoảng 52ha gồm tổ hợp vui chơi có thưởng, casino và khoảng 100 căn biệt thự siêu cao cấp cho thuê; khu du lịch nghỉ dưỡng khoảng 25ha; khu vui chơi giải trí khoảng 27ha; khu tổ hợp đầu mối, dịch vụ thương mại khoảng 23ha đi cùng hệ thống các công trình phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật hiện đại...

Quy mô dân số trong vùng dự án khoảng 19.000 người, trong đó quy mô dân thường trú đạt 11.500- 12.000 người.

Quy mô dự án rộng 464,9ha thuộc xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Tổng mức đầu tư dự kiến 50.403 tỷ đồng.

Phúc đáp văn bản của T&T Group, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Công văn số 5120/UBND-XD gửi T&T và các sở ngành liên quan, khẳng định tỉnh sẽ xem xét đề xuất triển khai dự án sau khi quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được cấp thầm quyền phê duyệt. (Xem thêm)

Sunshine Homes (thương hiệu bất động sản của Sunshine Group) đang trong quá trình hoàn tất thủ tục thâu tóm giai đoạn 2 của siêu quần thể nghỉ dưỡng the Empire của Tập đoàn Thành Đô. Đây là khu đất vàng ven biển hiếm hoi còn sót lại trên đường Trường Sa - cung đường ven biển tỷ đô đẹp nhất Đà Nẵng.

Được biết, tổng diện tích của khu đất này lên tới 21ha. Khu đất có 1 mặt giáp biển, 1 mặt giáp đường Trường Sa. Toàn bộ dự án nằm cạnh thiên đường nghỉ dưỡng đẳng cấp Quốc tế Naman Retreat Đà Nẵng và đối diện với siêu đô thị nghỉ dưỡng Cocobay từng một thời “làm mưa làm gió” tại thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng.

Dù chưa công bố giá trị chính xác thương vụ chuyển nhượng, tuy nhiên theo thông tin hé lộ, sau khi về tay Sunshine Homes, doanh nghiệp này sẽ triển khai xây dựng một tổ hợp nghỉ dưỡng phức hợp tiêu chuẩn 6 sao quy mô 5.000  tỷ đồng tại đây với tên gọi Sunshine Heritage Đà Nẵng I. (Xem thêm)

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định 1411/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp số 05, tỉnh Hưng Yên.

Dự án có quy mô 192,64 ha được thực hiện tại xã Xuân Trúc, xã Quảng Lãng, huyện Ân Thi và xã Nghĩa Dân, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên với tổng vốn đầu tư 2.385 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Đầu tư khu công nghiệp Yên Mỹ làm nhà đầu tư. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm tính từ ngày nhà đầu tư được cấp văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo kết quả thẩm định chủ trương đầu tư dự án. (Xem thêm)

Hàng loạt "ông lớn" xây dựng như Delta, Cienco4, Vinaconex, Thành An, Phục Hưng Holdings... vừa có văn bản gửi Hiệp hội các nhà thầu Xây dựng Việt Nam để kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp.

Cụ thể, Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Delta bày tỏ mong muốn Hiệp hội các nhà thầu thầu Xây dựng Việt Nam kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước có các cơ chế, chính sách để chia sẽ và hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể, Delta muốn được gia hạn thời gian trả nợ/cơ cấu nợ ngân hàng, giảm lãi suất vay ngân hàng, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), gia hạn và giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) trong năm.

Với Tập đoàn Cienco4, doanh nghiệp này cho rằng quy định về các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế lưu thông, vận chuyển hàng hóa của các địa phương không thống nhất, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cienco4 mong muốn được giảm lãi vay ngắn hạn xuống mức thấp hơn để giảm chi phí tài chính, cơ cấu lại các khoản dư nợ sắp đến hạn phải trả để doanh nghiệp có thời gian giãn các khản phải trả nợ gốc và kaix.

Cienco4 cũng đề nghị được giảm và gia hạn thời gian nộp thuế TNDN, giảm tiền thuê đất phải nộp trong năm 2021 và các năm tiếp theo, giảm tiền đóng BHXH cho người lao động...

Về phía Tổng công ty Cổ phần Vinaconex, doanh nghiệp này cho rằng việc giãn cách xã hội khiến công tác đấu thầu, tìm kiếm dự án bị ảnh hưởng. Các dự án đang thi công thì không huy động được đủ nhân lực, vật tư, thiết bị... dẫn tới nguy cơ chậm tiến độ và không đảm bảo hiệu quả...

Vinaconex kiến nghị các chủ đầu tư/bên mời thầu nghiên cứu điều chỉnh lại kế hoạch lựa chọn nhà thầu phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh để nhà thầu có thời gian và điều kiện chuẩn bị hồ sơ dự thầu. (Xem thêm)

Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng vừa có Công văn số 1696/SXD-QHKT gửi các cơ quan liên quan lấy ý kiến việc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh đề nghị thống nhất ranh nghiên cứu, khảo sát và tài trợ lập quy hoạch tại TP. Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm.

Sở Xây dựng cho biết ngày 5/8, Tập đoàn Hưng Thịnh đã có văn bản gửi UBND tỉnh Lâm Đồng đề xuất được mở rộng ranh lập quy hoạch phân khu với diện tích lên đến 5.985ha.

Trong đó, phần diện tích 432ha đã được UBND tỉnh chấp thuận cho Hưng Thịnh nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 tại khu vực núi Sapung vào hồi tháng 3/2020.

Phần diện tích 2.168ha được tỉnh chấp thuận cho nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch phân khu tại khu vực xã Lộc Châu, xã Đại Lào, TP. Bảo Lộc và xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm vào ngày 2/6/2021. Tiếp đó là phần diện tích mở rộng thêm khoảng 3.385ha. (Xem thêm)

Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng báo cáo nghiên cứu rà soát một số quy định “bất cập” của Luật Nhà ở 2014”

Theo đó, qua nghiên cứu rà soát, Hiệp hội nhận thấy một số quy định của Luật Nhà ở 2014 không thống nhất và không phù hợp với các quy định của Luật Đất đai 2013, Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020. 

Cũng theo HoREA, một số quy định của Luật Nhà ở 2014 vừa làm thiệt hại cho nhiều doanh nghiệp, tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản vừa làm hạn chế cơ hội tạo lập nhà ở của nhiều hộ gia đình và làm thất thu ngân sách nhà nước.

Dẫn chứng, HoREA cho biết tại TP. HCM, chỉ thống kê trong 3 năm, kể từ ngày 10/12/2015 (Nghị định 99/2015/NĐ-CP có hiệu lực) đến tháng 08/2018 đã có 126 dự án nhà ở thương mại không được công nhận chủ đầu tư do không có quyền sử dụng đất 100% đất ở.

HoREA cũng nhận định số lượng dự án không được công nhận chủ đầu tư thực tế có thể còn lớn hơn rất nhiều, do từ tháng 09/2018 đến hết năm 2020, các nhà đầu tư không có quyền sử dụng đất 100% đất ở đã không nộp hồ sơ nữa, vì có nộp cũng bị bác bỏ.

“Trong toàn quốc chắc chắn có đến hàng trăm dự án tương tự cũng không thể triển khai thực hiện do không được công nhận chủ đầu tư, làm cho các doanh nghiệp bị thiệt hại rất lớn, bị ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu; thị trường bị méo mó, bị sụt giảm nguồn cung dự án và sản phẩm; giá nhà bị đẩy lên rất cao; tạo lợi thế không công bằng cho một số chủ đầu tư có sẵn dự án, có sẵn sản phẩm nhà ở độc 'độc chiếm; thị trường, đạt được lợi nhuận  'khủng; người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp ngày càng khó tạo lập nhà ở”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA khẳng định. (Xem thêm)

Những ngày gần đây, thông tin về vụ sân golf Phan Thiết (Bình Thuận) chuyển mục đích sang khu đô thị được bổ sung vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi đã gây xôn xao dư luận. Trong quá trình tiếp nhận thông báo, tố giác tội phạm cũng như qua thanh tra, cơ quan chức năng đã chỉ ra những sai phạm rất nghiêm trọng trong quá trình chuyển đổi.

Theo tìm hiểu, dự án sân golf Phan Thiết được Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cấp phép ngày 27/7/1993. Thời hạn sử dụng đất 50 năm (đến tháng 12/2044), cứ 5 năm điều chỉnh tiền thuê đất một lần, hình thức sử dụng đất là nhà nước cho thuê đất trả tiền hằng năm. Sau khi kết thúc hoạt động, nhà đầu tư sẽ bàn giao lại toàn bộ dự án, tài sản cho tỉnh.

Nhà đầu tư khi đó là tỷ phú người Mỹ Larry Hillblom. Ông thuê mảnh đất này để làm dự án sân golf Ocean Dunes Golf Club (còn gọi là sân golf Phan Thiết). Đây là công trình đầu tư nước ngoài đầu tiên của tỉnh Bình Thuận và đã đi vào hoạt động từ năm 1997.

Tuy nhiên, sau khi tỷ phú Mỹ Larry Hillblom qua đời trong một vụ tai nạn máy bay, số phận sân golf này đã trải qua 4 lần chuyển chủ đầu tư theo Luật Đầu tư.

Theo tài liệu của VietnamFinance, đơn tố cáo đầu tiên của ông Đinh Trung, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận vào tháng 1/2019 cho biết, ngày 15/11/2013 là lần chuyển nhượng cuối cùng (lần thứ tư) sang Công ty Cổ phần Rạng Đông.

Cụ thể, UBND tỉnh Bình Thuận cho phép chuyển nhượng vốn và chủ đầu tư mới tại dự án sân golf Phan Thiết cho Công ty Cổ phần Rạng Đông. Giấy chứng nhận đầu tư do UBND tỉnh Bình Thuận cấp cho Công ty Rạng Đông nêu rõ mục tiêu là “xây dựng và kinh doanh một sân golf đạt chuẩn quốc tế và các công trình phục vụ kèm theo”.

Chỉ khoảng 2 tuần sau khi nhận chuyển nhượng, ngày 2/12/2013, Công ty Rạng Đông có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận cho chuyển đổi đất sân golf sang đất ở đô thị để “đầu tư xây dựng và kinh doanh biệt thự, nhà vườn, nhà phố, nhà cao tầng và các công trình hạ tầng phụ trợ”.

Ngày 7/5/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận có Thông báo số 394/TB-TU đồng ý giao UBND tỉnh lập tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho xóa bỏ sân golf, chuyển sang đất ở đô thị.

Tiếp đến, ngày 23/5/2014, UBND tỉnh Bình Thuận có tờ trình số 1741/TTr-UBND gửi Thủ tướng Chính phủ xin đưa sân golf Phan Thiết ra khỏi quy hoạch và cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất sân golf sang xây dựng khu đô thị.

Đến ngày 28/10/2014, Thủ tướng Chính phủ mới có Văn bản số 2117/TTg-KTN đồng ý đưa sân golf Phan Thiết ra khỏi quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020. (Xem thêm)

Dự án khách sạn sân golf Hoàng Đồng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp phép đầu tư hồi tháng 3/2004, đến nay đã qua 17 năm nhưng vẫn chưa hoàn thành và nhiều lần nằm trong tầm ngắm thu hồi. Động thái mới đây của Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn khi chủ trì cuộc họp với Công ty Cổ phần Quốc tế Lạng Sơn và các cổ đông chiến lược như một hi vọng để dự án được hồi sinh.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn hôm 13/8, đại diện các sở, ngành đề nghị nhà đầu tư chứng minh năng lực pháp lý của các cổ đông chiến lược góp vốn, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ pháp lý, triển khai điều chỉnh quy hoạch dự án, thực hiện trích đo các thửa đất chưa giải phóng mặt bằng.

Về phía các cổ đông tham gia thực hiện dự án cũng thể hiện quyết tâm khẩn trương tái khởi động dự án, đã chuyển 181 tỷ đồng để xử lý các khoản nợ, chuẩn bị sẵn nguồn vốn để triển khai các hạng mục…

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Công ty Cổ phần Quốc tế Lạng Sơn khẩn trương triển khai các thủ tục về điều chỉnh quy hoạch, hoàn thiện các thủ tục liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đối với số căn nhà đã xây thô trong quý III/2021, chuẩn bị đủ kinh phí để UBND thành phố Lạng Sơn chi trả theo phương án đã được phê duyệt, lập kế hoạch chi tiết cụ thể về tiến độ triển khai thực hiện dự án để UBND tỉnh và các sở ngành liên quan làm căn cứ giám sát thực hiện.

Tỉnh Lạng Sơn dự kiến trong đầu tháng 9/2021 sẽ hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh cho nhà đầu tư. 

Nguồn: