TIN MỚI!

Đọc nhanh >>

Bình Dương sẽ có 5 thành phố, bao gồm Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Bến Cát và Tân Uyên

Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương thống nhất chủ trương xây dựng đề án thành lập Tp.Tân Uyên và Tp.Bến Cát.

Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương vừa thống nhất chủ trương xây dựng đề án thành lập thành phố Tân Uyên và Bến Cát như báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh. Do đó, Thường trực giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện theo đúng quy định.

Nếu đề án này đi vào thực tiễn, Bình Dương sẽ có 5 thành phố (TP), bao gồm 3 thành phố hiện hữu là Tp.Thủ Dầu Một (lên từ năm 2012), Tp.Dĩ An, Tp.Thuận An (lên từ năm 2020) và 2 TP trong tương lai là Tp.Bến Cát, Tp.Tân Uyên.

Thị xã Tân Uyên là một trong 9 đô thị thuộc hệ thống đô thị của tỉnh Bình Dương, có diện tích tự nhiên 19.175,72ha và 12 xã, phường có chức năng là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa – xã hội và an ninh quốc phòng, là đô thị dịch vụ thương mại, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và vùng liên tỉnh.

 Tân Uyên đang là một trong những địa phương phát triển năng động và xây dựng được môi trường thu hút vốn đầu tư tốt nhất tại Bình Dương
Tân Uyên đang là một trong những địa phương phát triển năng động và xây dựng được môi trường thu hút vốn đầu tư tốt nhất tại Bình Dương

Thị xã Bến Cát kể từ khi chia tách huyện Bến Cát thành huyện Bàu Bàng và thị xã Bến Cát theo Nghị quyết 136 của Chính phủ, thị xã Bến Cát đã có sự lột xác ngoạn mục của vùng đất này với những con đường rộng thênh thang, những khu công nghiệp sầm uất, những trường đại học quốc tế quy mô lớn hay những khu dân cư khang trang.

Bên cạnh đó, lãnh đạo thị xã Bến Cát đã có rất nhiều nỗ lực trong việc lập và triển khai quy hoạch xây dựng đô thị, góp phần tạo nền tảng cho đô thị Bến Cát từ đô thị loại IV lên đô thị loại III, cũng như thị xã Bến Cát đã đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo sự kết nối giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với Bình Dương nói chung và thị xã Bến Cát nói riêng làm động lực cho phát triển kinh tế của thị xã.

Cụ thể, thị xã Bến Cát đạt 53% đối với việc đầu tư các công trình giao thông, 69% đối với việc đầu tư các công trình quản lý nhà nước và quốc phòng - an ninh, 87,5% đối với việc đầu tư các công trình văn hóa - y tế - giáo dục, 93% đối với việc đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật - chỉnh trang đô thị.

Bến Cát cách Tp.Thủ Dầu Một 20 km, cách Tp.HCM khoảng 50 km theo Quốc lộ 13. Địa phương này giáp Tân Uyên, Dầu Tiếng, Thủ Dầu Một, Bàu Bàng của tỉnh Bình Dương; giáp Tp.HCM. Với diện tích 23.442 ha, Bến Cát có 8 đơn vị hành chính cấp xã, phường.

Tỉnh Bình Dương được thành lập từ năm 1997, sau khi tách tỉnh Sông Bé thành Bình Dương và Bình Phước. Sau 25 năm phát triển, Bình dương đã trở thành địa phương có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa cao trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hết năm 2020, Bình Dương tiếp tục giữ vị trí thứ 3 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (3.908 dự án và 35,2 tỷ USD vốn đầu tư), sau Tp.HCM (9.826 dự án và 47,9 tỷ USD) và Hà Nội (6.363 dự án và 35,9 tỷ USD).

Ngành công nghiệp của tỉnh có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế, toàn tỉnh có hơn 30 khu, cụm công nghiệp với hạ tầng được đầu tư đồng bộ, trong đó có những khu công nghiệp kiểu mẫu của cả nước. Theo quy hoạch, Bình Dương có thể trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Nguồn: