TIN MỚI!

Đọc nhanh >>

Các 'ông lớn' công nghệ Việt làm ăn ra sao trong năm 2020?

Mặc dù nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng bởi COVID-19, nhưng một số "ông lớn" công nghệ Việt Nam đều có kết quả kinh doanh tăng trưởng so với năm trước.

FPT lãi hơn 5.260 tỷ đồng trong 'năm COVID' 2020

Trong BCTC công bố mới đây, FPT cho biết năm 2020, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của tập đoàn này đạt lần lượt 29.830 tỷ đồng và 5.261 tỷ đồng, tăng 7,6% và 12,8% so với cùng kỳ. Lãi cơ bản trên cổ phiếu đạt 4.119 đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong cơ cấu doanh thu, khối công nghệ của FPT đóng góp 56% với 16.805 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ. Khối viễn thông chiếm 39% với 11.466 tỷ đồng, tăng 10,3% so với 2019. Khối giáo dục và đầu tư đóng góp 5%.

 FPT lãi hơn 5.000 tỷ đồng trong năm 2020. Ảnh: Internet
FPT lãi hơn 5.000 tỷ đồng trong năm 2020. Ảnh: Internet

 

Với khối công nghệ, do nhu cầu đầu tư chuyển đổi số tăng trưởng mạnh trên phạm vi toàn cầu, doanh thu ký mới năm 2020 đạt 13.095 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2019. Số lượng khách hàng có doanh thu trên 500.000 USD tăng gần 19% trong khi số dự án có quy mô hàng triệu USD tăng 38,5% so với năm trước.

Ở khối viễn thông, do kiểm soát tốt chi phí và tối ưu hóa các dịch vụ mới như PayTV, biên lợi nhuận dịch vụ viễn thông của FPT đã tăng mạnh. Cụ thể, biên lợi nhuận trước thuế dịch vụ băng thông rộng tăng lên gần 20% trong khi các dịch vụ khác đạt mức trên 12%. 

Doanh thu khối giáo dục tăng 22% so với năm 2019. Số học sinh trung bình cả năm 2020 của Khối giáo dục đạt 52.005 người, tăng 30,4% so với cùng kỳ.

Dịch vụ công nghệ thông tin nước ngoài của FPT trong năm 2020 cũng đạt doanh thu 12.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 1.970 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 10,6% và 14,4% so với năm 2019. Trong đó, các thị trường như Nhật Bản và APAC có mức tăng trưởng doanh thu ở mức 9% và 28%.

Thế giới di động lãi gần 4.000 tỷ đồng trong năm 2020

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công nghệ thông tin Thế giới di động (mã chứng khoán: MWG) vừa công bố Báo cáo kết quả kinh doanh cả năm 2020.

 Thế giới di động lãi gần 4.000 tỷ đồng trong năm 2020. Ảnh: Thế giới di động
Thế giới di động lãi gần 4.000 tỷ đồng trong năm 2020. Ảnh: Thế giới di động

 

Năm 2020, Thế giới di động ghi nhận mức tăng trưởng 6% doanh thu đạt 108.546 tỷ đồng và tăng trưởng 2% lợi nhuận sau thuế so với 2019, đạt 3.920 tỷ đồng.

Theo Thế giới di động, năm 2020 là năm đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh toàn cầu cùng với tình hình thiên tai liên tục diễn ra tại Việt Nam. Để đạt được kết quả như trên, ngoài nỗ lực tối ưu chi phí, việc cải thiện biên lợi nhuận gộp có đóng góp vô cùng quan trọng, đạt mức 22,1% và là mức cao nhất từ trước tới nay.

Đáng chú ý, công ty này còn bán máy tính xách tay với 26 trung tâm laptop và hơn 1.000 điểm trưng bày sản phẩm trong chuỗi Thegioididong và Dienmayxanh, đóng góp hơn 3.500 tỷ đồng (tăng hơn 40% so với năm 2019). Với kết quả này, Thế giới di động ước tính họ có gần 30% thị phần máy tính xách tay tại Việt Nam năm 2020.

Hay với các sản phẩm gia dụng, nổi bật là quạt điện, máy lọc nước và nồi cơm điện. Trong năm 2020, nhóm này mang về hơn 3.500 tỷ đồng (tăng hơn 20% so với năm 2019) và đóng góp tới gần 50% doanh số gia dụng nói chung.  

Ngoài ra, khi nói đến “động lực tăng trưởng mới cho tương lai” của Thế giới di động thì không thể không nhắc đến chuỗi Bách hoá xanh, với doanh thu 249 tỷ đồng (47 cửa hàng) vào năm 2016 thì đến năm 2020 đã đạt 21.260 tỷ đồng (1.719 cửa hàng).

Giai đoạn 2016-2020, số lượng cửa hàng Bách hoá xanh đã tăng gấp 36 lần và doanh thu tăng 85 lần. Doanh thu trung bình mỗi cửa hàng Bách hoá xanh là 1,25 tỷ đồng/tháng, trong đó, 47% doanh thu đến từ hàng tươi sống, hàng mát và đông lạnh. Riêng với cửa hàng trên 500 m2 mang về doanh thu khoảng 3 tỷ đồng/tháng (ở TP.HCM) và 2,5 tỷ đồng/tháng (toàn hệ thống). 

Digiworld quý 4/2020 tăng trưởng mạnh, cả năm vượt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận

Cuối tháng 1 vừa qua, CTCP Thế giới Số (Digiworld, mã: DGW) cũng vừa công bố BCTC hợp nhất quý 4/2020 và lũy kế cả năm 2020.

Theo đó, quý 4/2020, Digiworld ghi nhận doanh thu thuần hơn 4.017 tỷ đồng, tăng trưởng 60,68% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế 85,14 tỷ đồng, tăng 67,37% so với cùng kỳ.

Digiworld cho biết, nguyên nhân dẫn đến kết quả kinh doanh quý 4/2020 tăng trưởng mạnh hoàn toàn đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Cụ thể, máy tính xách tay và máy tính bảng, doanh thu ghi nhận mức tăng trưởng mạnh 66% so với cùng kỳ, đạt 1.199 tỷ đồng, nhờ sự đóng góp doanh thu từ các sản phẩm Apple và Huawei.

Về điện thoại di động, doanh thu mang lại đạt 2.228 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ nhờ sự tiếp tục gia tăng thị phần Xiaomi đóng góp doanh thu từ các dòng Iphone 12 của Apple.

Bên cạnh đó, nhờ tình hình COVID-19 được kiểm soát và ổn định hơn, mảng thiết bị văn phòng, các doanh nghiệp đã bắt đầu chi tiêu trở lại, hơn nữa, các dòng sản phẩm IoTs ngày càng đa dạng, tiện ích và được người tiêu dùng ưu chuộng, do vậy, doanh thu mảng này ghi nhận mức tăng 36% so với cùng kỳ, đạt 509 tỷ đồng.

Còn mảng hàng tiêu dùng đem lại doanh thu 81 tỷ đồng, tăng trưởng 11% nhờ đóng góp của các hợp đồng đã ký.

Lũy kế năm 2020, tổng doanh thu thuần DGW đạt 12.535 tỷ đồng, tăng trưởng 48% so với năm trước và hoàn thành 123% kế hoạch cả năm; lợi nhuận sau thuế đạt 253 tỷ đồng, tăng trưởng 56% và đạt 125% kế hoạch năm.

Tính đến 31/12/2020, tổng tài sản của DGW đạt hơn 3.065 tỷ đồng, tăng hơn 660 tỷ đồng, tương ứng tăng 27,48% so với đầu năm; trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền tăng gấp 5,7 lần, lên hơn 878 tỷ đồng; các khoản phải thu gần gấp đôi, lên 1.130 tỷ đồng; trong khi hàng tồn kho giảm 42,61% xuống còn hơn 843 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nợ ngắn hạn tiếp tục cao, tăng gần 30% so với thời điểm đầu năm và chiếm 62,54% tổng tài sản. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 629,6 tỷ đồng.

Phương Linh
Nguồn: