TIN MỚI!

Đọc nhanh >>

Cách bày mâm ngũ quả theo phong thủy, đón may mắn ngày Tết Nguyên đán

Hằng năm, khoảng 28 -29 tháng Chạp, sau khi lau dọn ban thờ gia tiên, các gia đình bắt đầu bày biện mâm ngũ quả, trang trí đẹp mắt để đặt lên bàn thờ, chuẩn bị đón năm mới.

Theo các nhà văn hóa, mâm ngũ quả ngày Tết để dâng cúng tổ tiên, thể hiện lòng hiếu thảo và ước mong những điều tốt lành trong gia sự.

Mâm ngũ quả cũng thể hiện cho 5 yếu tố Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ đã cấu thành nên vũ trụ trong quan niệm của người Việt nói riêng và của văn hóa Á Đông nói chung.

Tuy nhiên hiện nay, không phải gia đình nào, nhất là những người trẻ cũng biết bày biện mâm ngũ quả cho đẹp mắt.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Cường (Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam) hướng dẫn những cách bày mâm ngũ quả, để mang lại may mắn trong năm mới.

 
 

Mâm ngũ quả là thứ không thể thiếu trong mỗi gia đình dịp Tết Nguyên đán. 

Cách bày mâm ngũ quả truyền thống

Theo đó, cách bày mâm ngũ quả truyền thống sẽ là nải chuối xanh được đặt dưới cùng, ở giữa là quả bưởi, rồi điểm xuyến những quả quất, quýt xung quanh. Hiện nay, các gia đình ở Bắc Bộ, đặc biệt vùng nông thôn vẫn bày biện mâm ngũ qua theo cách này.

Chuối để bày lên ban thờ ngày Tết thường là chuối tiêu già quả nhưng vẫn còn xanh. Mỗi nải chuối thường trên 20 quả, cong đều nhau để “ôm” được các hoa quả khác đặt trong lòng nó. Các gia đình cần chú ý không nên chọn chuối sắp chín, hoặc đã sắp đổi sang vàng vì khi thờ, sức nóng của hương nhang sẽ làm chuối chín rất nhanh và dễ bị rụng quả.

Nếu người miền Bắc chuộng chuối, thì người miền Nam lại kỵ. Người miền Nam bày mâm ngũ quả theo mong muốn “Cầu sung vừa đủ xài” ước mong năm mới đủ đầy, sung túc, tương ứng với 5 loại quả: Mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài. Ngoài ra, còn có thêm quả thơm (dứa) với mong muốn con cháu đầy nhà và một cặp dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng để cầu may mắn.

Còn cách bày biện trang trí mâm ngũ quả miền Trung khá đơn giản: Dứa đặt cao nhất, bao quanh là xoài, thanh long và táo, nho đặt dải ngang và quýt bày xung quanh.

Bày mâm ngũ quả theo ngũ hành

Ngày nay, nhiều gia đình chọn cách bày mâm ngũ quả theo phong thủy với quan niệm đón thêm tài lộc trong năm mới. Một số gia đình còn cầu kỳ chọn chọn số lẻ trong mâm ngũ quả.

 
 

Nguyên tắc bày biện mâm ngũ quả theo phong thủy được thể hiện như sau:

Thông thường mâm ngũ quả gồm 5 loại quả có màu sắc khác nhau. Sở dĩ chọn số 5 là vì từ xưa ông cha ta đã quan niệm Phú – Quý – Thọ – Khang – Ninh là những điều quý giá và luôn mong mỏi đạt được 5 điều này trong năm mới.

Ngoài ra, trên mâm ngũ quả người ta thường chọn 5 loại quả tương ứng với 5 màu sắc của các hành Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ, tượng trưng cho mong ước được ngũ phúc: "Giàu có, sang trọng, sống lâu, khỏe mạnh, bình yên”.

Màu đỏ tượng trưng cho hành Hỏa, thường là các loại quả: Hồng, táo tây, thanh long…

Màu trắng tượng trưng cho hành Kim, người Việt hay chọn mận hoặc lê,…

Những loại quả như chuối xanh, đu đủ xanh, mãng cầu, quả na, sung, dừa, dưa hấu... tượng trưng cho hành Mộc.

Với hành Thổ có thể chọn những loại quả có màu nâu, nâu đất hay vàng như xoài chín, bưởi, quýt vàng, cam vàng...

Màu đen tượng trưng cho hành Thủy, có thể chọn những loại quả như nho đen hoặc các quả có màu tối, sậm.

Ý nghĩa của các loại quả thường dùng để này mâm ngũ quả trong ngày Tết được dân gian lưu truyền:

Chuối: Tượng trưng cho con cháu sum vầy, quây quần, đầm ấm, hứng lấy may mắn, bao bọc và chở che.

Phật thủ: Bàn tay phật che chở cho cả gia đình.

Bưởi: Mong muốn an khang, thịnh vượng.

Quả lê hoặc dưa lê: Tượng trưng cho sự thành đạt, thăng tiến.  

Cam, quýt: Tượng trưng cho sự thành đạt.

Lê: Vị ngọt thanh, ngụ ý việc gì cũng trơn tru, suôn sẻ.

Lựu: Nhiều hạt, tượng trưng cho con đàn cháu đống.

Đào: Thể hiện sự thăng tiến.

Táo: Phú quý, giàu sang.

Thanh long : Rồng mây hội tụ, thể hiện sự phát tài phát lộc.

Dưa hấu: Căng tròn, mát lành, hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn.

Quả trứng gà: Lộc trời cho.

Sung: Gắn với biểu tượng sung mãn, sức khỏe và tiền bạc.

Đu đủ: Thịnh vượng, đủ đầy.

Xoài (phát âm giống như “xài”): Cầu mong cho việc tiêu xài không thiếu thốn.

Nguồn: