TIN MỚI!

Đọc nhanh >>

Dân ‘kêu trời’ vì nhà máy dệt may Liên Phương gây ô nhiễm

Nhà máy Dệt may Liên Phương (thuộc Công ty cổ phần dệt may Liên Phương, 18 Tăng Nhơn Phú, phường Phước Long B, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) nhiều năm trở lại đây gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khiến người dân xung quanh khu vực liên tục gửi đơn “kêu cứu” đến cơ quan chức năng.

Nhà máy dệt may Liên Phương liên tục xả khói gây ô nhiễm trong thời gian những ngày gần đây. Ảnh người dân cung cấp.
Nhà máy dệt may Liên Phương liên tục xả khói gây ô nhiễm trong thời gian những ngày gần đây. Ảnh người dân cung cấp.

Mấy ngày gần đây, người dân phường Phước Long B, sống gần Nhà máy dệt may Liên Phương liên tục có phản ánh “cầu cứu” cơ quan chức năng về tình trạng nhà máy xả khói gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.

Một cư dân sống gần nhà máy cho biết: “Dịch Covid-19 đang hoành hành, chúng tôi phải ở nhà để ủng hộ Nhà nước chống dịch. Tưởng có tí không gian để hít khí trời mà nhà máy Liên Phương lại xả khói gây ô nhiễm suốt ngày đêm...”.

Bụi bay vào nhà dân gần khu vực Nhà máy dệt may Liên Phương. Ảnh người dân cung cấp.
Bụi bay vào nhà dân gần khu vực Nhà máy dệt may Liên Phương. Ảnh người dân cung cấp.

Một cư dân khác thì cho biết: “Hình như đợt dịch Covid-19 này nhà máy lại càng xả khói nhiều hơn. Khói công nghiệp này về lâu dài làm viêm đường hô hấp, phổi.. thanh niên chịu còn không nổi, huống hồ mấy đứa nhỏ, người lớn tuổi... Mặc dù gia đình tôi đã đóng cửa kín, chèn thêm vải bịt rồi mà ko hiểu sao vẫn có mùi khói len lỏi vào phòng ngủ được...”.

Mới đây, vào ngày 28/5/2021, Ủy ban nhân dân phường Phước Long B (TP.Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) đã có Văn bản số 205/UBND về việc “Phối hợp xử lý Công ty Cổ phần dệt may Liên Phương” gửi Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Thủ Đức.

Nội dung văn bản nêu: "Thông tin phản ánh kiến nghị của cư dân khu phố 4, phường Phước Long B qua Cổng thông tin 1022 tại Công ty CP Dệt may Liên Phương trong quá trình hoạt động gây ô nhiễm môi trường xả khói đen và mùi hôi thối cả ngày lẫn đêm".

Nhằm tạo điều kiện cho người dân xung quanh khu vực có môi trường trong lành, UBND phường Phước Long B đã đề nghị Phòng Tài nguyên Môi trường phối hợp kiểm tra, xử lý dệt may Liên Phương hoạt động gây ô nhiễm môi trường.

Trước những bức xúc của người dân, UBND phường Phước Long B đã đề nghị quận Thủ Đức vào cuộc kiểm tra, xử lý Công ty Dệt may Liên Phương.
Trước những bức xúc của người dân, UBND phường Phước Long B đã đề nghị quận Thủ Đức vào cuộc kiểm tra, xử lý Công ty Dệt may Liên Phương.

Không phải gần đây Nhà máy Dệt may Liên Phương mới gây ô nhiễm khiến dân tình bức xúc mà tình trạng này đã kéo dài suốt nhiều năm.

Như vào tháng 12/2019, trên Cổng 1022 (UBND TP.HCM) ghi nhận ý kiến của người dân: “Hiện tại, có 2 nhà máy chế biến gỗ Nam Việt (hiện nay đã di dời – PV) và Công ty dệt may Liên Phương đang gây ô nhiễm và tiếng ồn rất nghiêm trọng, bụi, mùi, tiếng ồn..., mong chính quyền phường Phước Long B cũng như quận Thủ Đức có biện pháp để khắc phục tình trạng này”.

Ngay sau đó, Phòng Tài nguyên và Môi trường Quận 9 (nay là TP.Thủ Đức) có ý kiến phản hồi: “Phòng TNMT đã phối hợp UBND phường Phước Long B kiểm tra, xác minh và lấy mẫu nguồn thải. Đang tham mưu UBND quận xử lý theo quy định”.

Trước đó, từ năm 2015-2016, người dân đã gửi nhiều đơn thư kêu cứu về tình trạng trên đến cơ quan chức năng.

Cụ thể, vào tháng 5/2016, Báo Sài Gòn Giải phóng phản ánh: Cư dân phường Phước Long B (quận 9) cũng khốn khổ vì hoạt động của Công ty cổ phần Dệt may Liên Phương gây ô nhiễm trầm trọng. Đứng ở khu vực cổng sau của công ty này một chút đã thấy mệt mỏi vì tiếng động ầm ầm phát ra như tra tấn. Chỉ tay về khu vực mới xây dựng, ông Cao Minh Hải (cư dân ở đây) ngán ngẩm: “Chả biết trong đó đang sản xuất cái gì, nhưng gần 1 tháng nay cứ phát ra tiếng động ầm ĩ. Chỉ có ngày nghỉ thì nơi đây mới tạm yên tĩnh. Chúng tôi đã phản ánh việc này với UBND phường Phước Long B, nhưng chưa thấy giải quyết gì cả!”.

Chuyện các cơ sở dệt, nhuộm vải nêu trên gây ô nhiễm khu dân cư, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng liên quan đều biết, nhưng đúng như cư dân phản ánh, đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả. Ông Đỗ Tiến Đằng, Phó Chủ tịch UBND phường Phước Long B, tỏ tinh thần cầu thị: “Chúng tôi xin tiếp nhận phản ánh của nhà báo về việc Công ty cổ phần Dệt may Liên Phương gây ô nhiễm và sẽ tổ chức kiểm tra thực tế trong thời gian sớm nhất. Nhưng có lẽ còn phải chờ các số liệu đo đạc được về mức ô nhiễm thì mới có thể có giải pháp xử lý căn cơ hơn”.

Được biết, hiện xung quanh nhà máy dệt Liên Phương có mật độ dân cư rất đông. Ngoài các chung cư cao tầng với hàng ngàn hộ dân còn có các khu chợ dân sinh, trường học các cấp từ mầm non đến cao đẳng...

Do đó, hoạt động của nhà máy dệt may Liên Phương trong khu vực nhưng không tuân thủ bảo vệ môi trường đã ảnh nghiêm trọng đến sức khỏe – đời sống người dân. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần sớm có biện pháp di dời nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư để trả lại sự bình yên - trong lành cho người dân.


 

Theo thống kê chưa đầy đủ của các cơ quan chức năng, trong giai đoạn 2016-2020, TP.HCM cần di dời hơn 10.000 cơ sở sản xuất hoạt động ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp và không phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị.

Các cơ sở sản xuất này có quy mô nhỏ, vốn đầu tư ít, công nghệ sản xuất lạc hậu, nằm xen cài trong khu dân cư hoặc không bảo đảm khoảng cách an toàn về môi trường, có nguy cơ gây cháy, nổ đối với khu dân cư, tác động xấu đến cộng đồng dân cư. Kế hoạch đã đề ra, nhưng đến nay, số cơ sở này vẫn chưa được di dời.

Từ năm năm 2002, UBND TP.HCM đã ra chủ trương di dời 1.400 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi Thành phố và sẽ hoàn thành việc di dời vào năm 2005. Tuy nhiên, tới nay mục tiêu này vẫn chưa thể hoàn thành. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, hiện Thành phố có 698 cơ sở sản xuất phải di dời do gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị, với hơn 180 cơ sở tại huyện Củ Chi, 80 cơ sở tại quận 9 và 70 cơ sở tại huyện Bình Chánh. Tuy nhiên, cũng có nhiều phản ánh của người dân về việc tại các quận trung tâm Thành phố vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất gây ôi nhiễm môi trường và nguy hiểm cho người dân.

 

Cần công khai cơ sở gây ô nhiễm, có thể thu hồi đăng ký kinh doanh

Trả lời trên Báo Nhân Dân, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc đơn giản hóa trong đăng ký và cấp phép kinh doanh đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng cũng dẫn đến một hệ lụy là dễ hình thành mới cơ sở ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Công tác hậu kiểm với cơ sở gây ô nhiễm môi trường cũng chưa được các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương thực hiện chặt chẽ. Trong khi, các cơ sở vi phạm ngày càng tinh vi, có hành vi đối phó như hoạt động vào ban đêm, không chấp hành quyết định xử phạt, thay đổi tên doanh nghiệp, thuê địa điểm khác...

TP Hồ Chí Minh đang siết chặt quản lý môi trường đô thị, trong đó vấn đề chất lượng không khí được quan tâm hàng đầu. Ngoài các trạm quan trắc về chất lượng không khí của thành phố, còn kết nối với các trạm quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường đóng trên địa bàn để thường xuyên theo dõi chất lượng không khí. Đây là cơ sở để xử lý triệt để các nguồn gây ô nhiễm không khí, trong đó có các nhà máy, xí nghiệp sản xuất xả khí thải chưa qua xử lý gây ô nhiễm.

Theo GS, TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường (Trường đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh), để xử lý hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, thời gian tới, thành phố cần làm mạnh hơn nữa trong việc công khai danh sách cơ sở gây ô nhiễm, tùy mức độ vi phạm để tính tới biện pháp thu hồi đăng ký kinh doanh, hoặc có các biện pháp tiếp theo. Tiếp tục duy trì triển khai và phát triển phần mềm quản lý trực tuyến để tiếp nhận và xử lý kịp thời những ý kiến, phản ánh của người dân về tình trạng xả rác ra đường, kênh rạch, các điểm gây ô nhiễm môi trường, hành vi vi phạm về môi trường. Đối với các địa phương, cần tăng cường những giải pháp kiểm tra vừa thường xuyên, vừa đột xuất để công tác kiểm tra, giám sát đạt hiệu quả. Với các cơ sở có quy mô nhỏ, không đủ nguồn lực tài chính để di dời nhưng có mong muốn thay đổi thiết bị sản xuất thân thiện môi trường, các cấp chính quyền cần hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho họ.

 

Minh Tâm
Nguồn: