TIN MỚI!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp Đà Nẵng gồng mình sản xuất giữa đại dịch

Các doanh nghiệp tại Đà Nẵng đang gồng mình kích hoạt các biện pháp phòng, chống dịch cao nhất nhằm duy trì sản xuất, đảm bảo chuỗi cung ứng. Tuy vậy, theo thống kê, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tại Đà Nẵng trong tháng 8/2021 đã giảm 21,7% so với tháng trước và giảm 17,1% so với tháng cùng kỳ của năm 2020.

Dịch COVID-19 bùng phát mạnh trở lại đã ảnh hưởng nặng nề đến tình hình sản xuất các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng. Theo báo cáo kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2021 vừa được Cục Thống kê TP. Đà Nẵng công bố cho thấy, tình hình sản xuất công nghiệp trong tháng 8 chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Cụ thể: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 21,7% so với tháng trước và giảm 17,1% so với tháng cùng kỳ của năm 2020.

Ông Hà Ngọc Thống, Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu là doanh nghiệp chuyên cung cấp thùng carton cho các công ty xuất khẩu cho biết, trong thời gian qua, công ty có khoảng 300 công nhân thực hiện "3 tại chỗ" nhằm duy trì sản xuất. 

Theo ông Thống, để đảm bảo vùng xanh sản xuất, công ty đã kích hoạt đồng loạt các biện pháp chống dịch ở mức cao nhất, phân chia từng khu vực ăn ở, sinh hoạt cho từng ca kíp, bộ phận để đảm bảo giãn cách. Người lao động được xét nghiệm sàng lọc COVID-19 liên tục. Riêng nhóm có tiếp xúc với bên ngoài như lái xe, bảo vệ… được xét nghiệm với tần suất 3 lần/ngày. Hiện toàn bộ công nhân này đã được tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19. 

“Hiện đang là mùa cao điểm nên công ty phải nỗ lực để đáp ứng đơn hàng với giá cả, tiến độ như cam kết với đối tác, mặc dù chi phí sản xuất đã tăng lên rất nhiều. Tất nhiên là có khó khăn nhưng doanh nghiệp phải chấp nhận. Chúng tôi đang làm tốt nhất có thể, chấp nhận tốn kém chi phí để giữ được “vùng xanh” sản xuất, không để đứt gãy đơn hàng, tạo sự uy tín với khách hàng”, ông Thống nói. 

 <em>Doanh nghiệp Đà Nẵng gồng mình sản xuất giữa đại dịch COVID-19.</em>
<em>Doanh nghiệp Đà Nẵng gồng mình sản xuất giữa đại dịch COVID-19.</em>

Tương tự, ông Nguyễn Thanh Tân, Đại diện Công ty Mabuchi Motor (Khu công nghiệp Hòa Khánh) cho biết, công ty chỉ duy trì một số bộ phận cần thiết làm việc "3 tại chỗ", bố trí người lao động ở các khu vực khác nhau, tăng cường giám sát, quán triệt rõ không được giao lưu giữa các phòng.

Theo ông Tân, việc phòng chống dịch COVID-19 được thực hiện rất nghiêm, các công nhân tắm rửa, ăn uống theo giờ giấc khác nhau để tránh tập trung đông người, đặc biệt khu vực nhà ăn có đánh số, quy định vị trí của từng người. Ngoài việc xét nghiệm 3 ngày/lần, hơn 1.000 lao động công ty đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1.  “Đây là lần đầu tiên công ty thực hiện 3 tại chỗ, tuy có khó khăn nhưng anh em hợp tác, tuân thủ tốt quy định, quyết tâm không để dịch bệnh xâm nhập vào trong công ty”, ông Tân thông tin. 

Tại Công ty CP Cao su Đà Nẵng cũng đang nỗ lực sản xuất trong lúc cao điểm của dịch COVID-19 ở Đà Nẵng. Dưới áp lực phải cung ứng đủ nguồn hàng hóa cho các đối tác tại thị trường truyền thống ở Mỹ, gần 2 tháng nay, hơn 1.000 công nhân đã thực hiện giải pháp "3 tại chỗ".

Theo lãnh đạo công ty, phía công ty đã trích ra hơn 3 tỷ đồng để thực hiện giải pháp sản xuất “3 tại chỗ” cho gần 1.000 công nhân từ đầu tháng 7 đến nay. Đây là nỗ lực rất lớn của công ty nhằm không để xảy ra đứt gãy chuỗi cung ứng. 

Theo Ban Quản lý Khu Công nghệ cao (CNC) và các khu công nghiệp (KCN) Đà Nẵng (Ban Quản lý), các doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực để vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất. Với tín hiệu khả quan, dự kiến sau ngày 5/9 và thời gian tới, sẽ có khoảng 350-400 doanh nghiệp trở lại hoạt động với công suất 50-70% số lượng công nhân, tùy thuộc vào năng lực của doanh nghiệp và quy định của thành phố.

Phương án “3 tại chỗ” đã phát huy được hiệu quả trong ngắn hạn khi giúp doanh nghiệp bảo đảm thực hiện mục tiêu kép là vừa duy trì sản xuất, vừa phòng, chống dịch. Tuy nhiên, qua thực tế áp dụng, phương án này đã bộc lộ nhiều hạn chế và khó duy trì trong thời gian dài do tạo gánh nặng lớn cho doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp phải bỏ ra một khoản chi phí lớn để đáp ứng các điều kiện về ăn, ở, sinh hoạt cho công nhân, chi phí về xét nghiệm, từ đó làm tăng chi phí sản xuất trong khi năng suất lao động lại giảm, thời gian giao hàng cho khách hàng bị kéo giãn. Việc kéo dài thời gian áp dụng “3 tại chỗ” còn gây ảnh hưởng đến tâm, sinh lý và sức khỏe của người lao động ở tại doanh nghiệp. 

"Để công tác phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp có tính hiệu quả, lâu dài, bảo đảm giữ ổn định cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trước mắt, Ban Quản lý khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục thực hiện cả 2 hình thức: “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến”, tùy vào điều kiện thực tế của doanh nghiệp.

Trường hợp bảo đảm điều kiện thực hiện “3 tại chỗ”, bố trí tối đa 70% số người làm việc, nếu thực hiện di chuyển theo nguyên tắc “1 cung đường - 2 điểm đi/đến và ngược lại” thì bố trí tối đa 50% số lao động", đại diện Ban Quản lý cho hay. 

Nguồn: