TIN MỚI!

Đọc nhanh >>

Dự án lậu xẻ nát đồi chè Bảo Lộc

Chúng tôi bàng hoàng khi trước mắt mình là những đồi chè Bảo Lộc, có nơi trồng chè Ô Long đang như một công trường lớn: đồi bị san gạt, đường sá ồ ạt mọc lên bên trong...

Chưa có chủ trương để chuyển đổi sang đất xây dựng nhưng ngay trong lòng những đồi chè đã xuất hiện đường nhựa, cống thoát nước ngang dọc. Những đồi chè tuyệt đẹp đang bị phân từng lô nhỏ để làm dự án bất động sản.

Thực trạng trên đang diễn ra tại TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Đây vốn được xem là "thủ phủ" chè của Việt Nam, đặc biệt là nơi trồng chè Ô long có giá trị cao nay đang bị đe dọa.

Thủ thuật "hiến đất làm đường"

Vùng nguyên liệu chè TP Bảo Lộc hiện sôi động như một công trường lớn: đồi bị san gạt, đường sá ồ ạt mọc lên bên trong, từng lô đất vuông vức hình thành. 

Tại một con đường không tên thuộc thôn 11, xã Đam B’ri, TP Bảo Lộc, một vùng chè rộng hàng chục hecta đã trở thành công trường, người từ xa đến rất dễ nhầm lẫn nơi đây đang xây dựng khu công nghiệp hoặc một khu dân cư. Xe chở đất vô ra nườm nượp, máy đào, máy xúc gầm rú liên tục tạo nên âm thanh huyên náo một vùng. Những đồi chè Ô long bị "cạo" trọc. Ngang dọc các đồi chè đã bị đào xới là những con đường mở trái phép to như đường trong đô thị đang được thi công các hạng mục điện, nước.

Tuy chưa bị đào xới nghiêm trọng như tại khu vực thôn 11 nhưng đồi chè Ô long tại thôn 12 nằm cạnh rừng thông và hồ chứa nước lớn cũng đã bị xẻ thành hàng chục thửa đất, nhìn bằng mắt đã thấy rất vừa vặn để làm... biệt thự. Các đồi chè vốn nối tiếp nhau dài hút mắt bị phân mảnh bởi những con đường rộng hơn 12m, đã được trải đá chuẩn bị làm đường nhựa. Hai bên đường, những gốc chè Ô long nhiều năm tuổi bị quăng chỏng chơ. Nguyên trạng khu đất này gồm bốn thửa với tổng diện tích gần 10ha. 

Việc mở đường được tiến hành dưới dạng "xin hiến đất làm đường đi chung để thuận tiện trong việc canh tác, sản xuất cũng như tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại cho các hộ sản xuất xung quanh". Kết quả là đường đã mở, hoạt động sản xuất nông nghiệp xung quanh gần như ngưng trệ.

Một đồi chè Ô long khác rộng hàng chục hecta thuộc thôn 11 cũng đang được san gạt, đào múc, mở đường như một đại công trường. Để đến được khu vực này phải đi qua nhiều đường nhánh chưa được đặt tên. Ngay đầu khu vực công trường có bảo vệ canh giữ không cho người lạ ra vào. Xe ủi, xe ben hoạt động liên tục. Bên trong công trường là hàng đống vật liệu xây dựng. Trục đường chính vào các tuyến đường nhánh ở đại công trường này đã được xây dựng hệ thống mương thoát nước kiên cố bằng bêtông.

5 năm, diện tích chè giảm một nửa

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, tại Bảo Lộc chỉ có 6 dự án bất động sản được cấp phép nhưng lại có hơn 30 dự án bất động sản hoạt động. Điểm chung của các dự án "lậu" này là phân lô đất nông nghiệp, san gạt mặt bằng, làm công trình hạ tầng trên đất nông nghiệp. Đa số các khu đất được quảng cáo chào bán đều có catalog, sơ đồ phân lô, phối cảnh 3D, chụp ảnh flycam... rất chuyên nghiệp với những cái tên rất "kêu" như: Đam B’ri Village, Green Park Đam B’ri, Đam B’ri Ecovill, B’lao Panorama, Đam B’ri Hill Bee Land...

Đất nông nghiệp phân từng lô nhỏ chào bán khắp nơi. Đi dọc các con đường dẫn về ngoại thành Bảo Lộc, đất chào bán như... rau. Cò đất tràn ra đường tiếp cận những xe biển số tỉnh để tiếp thị những khu đất vẫn đang là đất nông nghiệp nhưng đã bị ủi trọc. Có thể nói từ phường đến xã ở Bảo Lộc, đâu đâu cũng có dự án bất động sản chưa được cấp phép và được chào bán công khai. So với cách nay 2-3 năm, giá đất nông nghiệp tại Bảo Lộc đã tăng 10-15%, mỗi sào đất (1.000m2) chưa có sổ đỏ được bán khoảng 1,5 tỉ đồng. Có những khu vực chỉ từ 6 thửa đất nông nghiệp diện tích lớn ban đầu đã bị xẻ nhỏ thành 273 thửa.

Trước năm 2015, Bảo Lộc được xem là thủ phủ chè của Việt Nam với 23.000ha. Nhưng đến năm 2018, diện tích chè chỉ còn hơn 12.000ha. Đến cuối năm 2020, tổng diện tích chè Lâm Đồng chỉ còn khoảng 10.000ha (giảm hơn 50% chỉ sau 5 năm). "Trồng chè bao nhiêu năm mới kiếm được 5 tỉ đồng, bán 2ha đất, mới một nửa mảnh vườn là có bấy nhiêu tiền rồi" - ông Nguyễn Tiến Sơn (xã Đam B’ri, Bảo Lộc) cho biết. 

Một cán bộ thuộc Hiệp hội Chè Việt Nam (đề nghị không nêu tên) nhận định: "Các nhà máy sản xuất chè ở Lâm Đồng đang thiếu nguyên liệu trầm trọng. Không chỉ chè Ô long mà các vườn chè khác cũng bị phá để bán bất động sản cho người tỉnh khác mua rồi bỏ không đó. Ai cũng lấy tiền bán đất ra so với công lao động nên vườn tược bị bán rồi bỏ hoang".

Liên quan đến việc phá chè làm bất động sản, Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho hay chưa cần biết dựa theo quy định nào nhưng việc lấy đất nông nghiệp mở đường trái phép, làm hạ tầng công trình là sai quy định, sai quy hoạch.

UBND TP Bảo Lộc từ chối trả lời Tuổi Trẻ

Phóng viên Tuổi Trẻ trong 3 tuần đã nhiều lần phản ánh và đề nghị được làm việc với UBND TP Bảo Lộc về việc quản lý quy hoạch và làm rõ tư cách pháp lý của các dự án bất động sản tự phát trên địa bàn nhưng lãnh đạo nơi đây đều từ chối.

Ông Đoàn Kim Đình - chủ tịch UBND TP Bảo Lộc - yêu cầu chúng tôi làm việc với bí thư Thành ủy Bảo Lộc. Khi chúng tôi cho rằng đây là vấn đề thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của UBND TP Bảo Lộc thì ông Đình đề nghị chúng tôi gặp ông Phùng Ngọc Hạp - phó chủ tịch UBND TP Bảo Lộc. Tuy nhiên, ông Hạp nại nhiều lý do và đến nay vẫn chưa tiếp và trả lời báo chí theo đúng quy định.

Bác bỏ "bánh vẽ" sân bay Lộc Phát

Liên quan đến các dự án bất động sản trái phép, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu UBND TP Bảo Lộc báo cáo trước ngày 4-11-2020 nhưng đến nay TP Bảo Lộc vẫn chưa báo cáo. Ngày 18-11, TP Bảo Lộc báo cáo cho UBND tỉnh nhưng sau đó một ngày thì thu hồi báo cáo và đến nay vẫn chưa báo cáo lại.

Tại kỳ họp HĐND tỉnh Lâm Đồng cuối năm 2020, các đại biểu đã có ý kiến về việc TP Bảo Lộc nhiều lần thông tin không chính xác về quy hoạch sân bay Lộc Phát thuộc TP Bảo Lộc. Tỉnh ủy Lâm Đồng khẳng định không có quy hoạch nào liên quan đến sân bay Lộc Phát như nhiều thông tin TP Bảo Lộc công bố trước đó.

Theo Sở Giao thông vận tải và Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Lâm Đồng, sân bay Lộc Phát mới chỉ là ý tưởng quy hoạch dựa trên hiện trạng sân bay quân sự cũ nhằm chuẩn bị quỹ đất cho tương lai, ngắn hạn chưa có kế hoạch nào liên quan đến sân bay này.

Nguồn: