TIN MỚI!

Đọc nhanh >>

Ép nhân viên trực Tết, công ty có vi phạm pháp luật?

Người lao động không đồng ý làm việc trong những ngày nghỉ Tết Âm lịch nhưng công ty vẫn ép phải trực Tết thì bị phạt như thế nào? (Thạnh Lam)

Luật sư tư vấn

Theo điểm b khoản 1 điều 112 Bộ luật Lao động năm 2019, dịp Tết Âm lịch người lao động được nghỉ làm việc 5 ngày và hưởng nguyên lương.

Theo điểm a khoản 2 điều 107 Bộ luật Lao động năm 2019, nếu sử dụng người lao động làm thêm giờ thì buộc phải có sự đồng ý của họ.

Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp người sử dụng lao động ép nhân viên trực Tết Âm lịch là vi phạm quy định của pháp luật về lao động.

Căn cứ khoản 1, khoản 3 điều 5 và điểm b khoản 3 điều 17 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân ép buộc nhân viên trực Tết Âm lịch sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 25 triệu đồng.

Người sử dụng lao động là tổ chức thì bị phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

Người sử dụng lao động là tổ chức bao gồm:

- Cơ quan nhà nước thực hiện hành vi vi phạm, trừ trường hợp thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao.

- Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam; chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam;

- Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

- Đơn vị sự nghiệp.

- Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp; tổ chức xã hội; tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

- Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế thuộc hệ thống liên hợp quốc, các tổ chức khu vực, tiểu khu vực.

- Văn phòng thường trú cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh và truyền hình nước ngoài.

- Tổ chức quốc tế, tổ chức liên Chính phủ, tổ chức thuộc Chính phủ nước ngoài.

- Tổ chức phi chính phủ.

- Văn phòng đại diện hoạt động không sinh lời tại Việt Nam của tổ chức kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, y tế, tư vấn pháp luật nước ngoài.

- Cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở y tế, cơ sở văn hóa - xã hội.

 

Luật sư Phạm Thanh Hữu Đoàn Luật sư TP HCM
Nguồn: