TIN MỚI!

Đọc nhanh >>

Giám đốc Savills Hà Nội: Doanh nghiệp bất động sản vẫn gặp khó nửa đầu năm 2021

Chuyên gia cho rằng triển vọng thị trường bất động sản nửa đầu năm 2021 sẽ có những diễn biến cần phải theo sát. Các doanh nghiệp bất động sản được dự báo vẫn bị ảnh hưởng trong giai đoạn này.

Giám đốc Savills Hà Nội: Doanh nghiệp bất động sản vẫn gặp khó nửa đầu năm 2021
Giám đốc Savills Hà Nội: Doanh nghiệp bất động sản vẫn gặp khó nửa đầu năm 2021

Nhận định về hoạt động của thị trường căn hộ trong năm 2020, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội, cho biết ngoài các khó khăn do Covid-19, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2020 còn chịu ảnh hưởng của các yếu tố như tiến trình cấp phép, phê duyệt dự án chậm hơn trước đây; yêu cầu cao hơn của khách mua về sản phẩm, thiết kế, điều kiện bàn giao, tiện ích dự án; sự cạnh tranh từ nguồn cung lớn của các đại dự án và năng lực thực hiện dự án cũng là những nguyên nhân tác động thêm.

Theo bà Hằng, khi phát triển dự án, tốc độ bán hàng, giá bán là những yếu tố hết sức quan trọng đảm bảo tính khả thi và việc ra quyết định triển khai. Một khi lượng mua giảm và tỷ lệ hấp thụ thấp dẫn đến dòng tiền thu về giảm, chi phí vốn tăng, lợi nhuận giảm sút là một thực tế khiến chủ đầu tư cũng sẽ phải cân nhắc rất nhiều đối với giá bán.

“Việc giảm giá nếu có thường sẽ không được các chủ đầu tư công bố chính thức mà trong một số trường hợp được đưa vào các chương trình khuyến mại, tặng quà… Đây cũng là một trong các giải pháp mà các chủ đầu tư có thể tính đến tùy vào điều kiện bán hàng tại mỗi dự án”, Giám đốc Savills Hà Nội nói.

Trong bối cảnh diễn biến dịch trên thế giới còn phức tạp, bà Hằng cho rằng triển vọng thị trường bất động sản nửa đầu năm 2021 sẽ có những diễn biến cần phải theo sát. Các doanh nghiệp bất động sản được dự báo vẫn bị ảnh hưởng trong giai đoạn này.

“Đầu tư bất động sản luôn là việc doanh nghiệp cần phải tính trong dài hạn. Trong chuỗi các hoạt động từ phát triển quỹ đất, quỹ dự án, chuẩn bị đầu tư, triển khai dự án, bán hàng… thì trong giai đoạn sắp tới các doanh nghiệp có thể chọn lựa một số hoạt động để đảm bảo duy trì trong ngắn hạn, vẫn có thể bắt kịp và phát triển nhanh trong dài hạn”, bà phân tích.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần rà soát lại các đối tượng khách hàng, các phân khúc ở từng địa bàn/địa phương mà doanh nghiệp có thể khai thác.

Lấy ví dụ, bà Hằng cho biết hiện nay, các doanh nghiệp có thể tính đến hướng đầu tư vào bất động sản nhà ở đô thị có khung pháp lý tốt ở nhiều tỉnh thành. Những dòng sản phẩm này sẽ hướng đến khách hàng tại địa phương có dự án và sau đó là khách từ các địa phương lân cận với những ý tưởng phát triển, kinh doanh đã thành công tại các đô thị lớn.

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hết năm 2020, cả nước có 6.694 doanh nghiệp kinh doanh BĐS được thành lập mới, giảm 15,5% so với năm 2019, tương đương với khoảng gần 19 doanh nghiệp "chào đời" mỗi ngày. Tuy nhiên, do tác động của dịch COVID-19, năm 2020, tình hình hoạt động, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp BĐS cũng bị ảnh hưởng tiêu cực, khiến 978 doanh nghiệp phải giải thể.

Song, điều đáng lạc quan là mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng đến cuối năm 2020, lĩnh vực BĐS vẫn thu hút tới 3 tỷ USD vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường. Trong đó, có tới 2 tỷ USD được đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào hoạt động sản xuất kinh doanh BĐS.

Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc CBRE Việt Nam, cho biết tình hình thị trường, dịch bệnh năm 2020 có nhiều chuyển biến tiêu cực, nguồn cung bất động sản suy giảm mạnh. Tuy nhiên, xét trên bình diện khu vực, lượng cung trên thị trường vẫn lớn. Dòng vốn ngoại đổ vào thị trường vẫn đang có xu hướng tăng theo quý. Đây sẽ là xu hướng không chỉ phát triển trong năm 2021, mà trong nhiều năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, năm 2021, sự dịch chuyển thị trường của các chủ đầu tư sẽ tiếp tục xuất hiện, nhất là xu hướng săn tìm quỹ đất hai chiều của các nhà đầu tư Hà Nội và TP. HCM.

Nguồn: