Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm 20/1 phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) về kế hoạch thành lập cơ quan y tế toàn cầu mới nhằm tăng khả năng "chống chọi về y tế" của thế giới và giúp hệ thống y tế toàn cầu hòa nhập hơn, phản ứng nhanh hơn trước các cuộc khủng hoảng.
"Nhiệm vụ của cơ quan mới là huy động nguồn lực y tế thế giới, trong đó có tài trợ cho các trường hợp khẩn cấp về y tế, mua vaccine, thuốc và thiết bị y tế", Tổng thống Indonesia nói trong cuộc họp trực tuyến.
Ông Widodo cho biết Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phơi bày hạn chế khi đối phó với đại dịch Covid-19. Ông nói thêm nhiều chương trình hợp tác y tế toàn cầu hiện nay, trong đó có nỗ lực phân phối vaccine, chỉ mang tính tạm thời.
"Vai trò của WHO vẫn chưa bao trùm hết các khía cạnh chiến lược cho thế giới", Tổng thống Indonesia khẳng định.
So sánh cơ quan y tế toàn cầu mới với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Widodo hy vọng tổ chức này sẽ giúp xây dựng quy trình chuẩn hóa trong những hoạt động như đi lại xuyên biên giới, tăng năng lực sản xuất thuốc và thiết bị y tế.
Tổng thống Indonesia kêu gọi các nền kinh tế lớn trên thế giới đồng tài trợ cho sáng kiến này và đạt được thỏa thuận trong thời gian Indonesia làm chủ tịch G20. "Chi phí chắc chắn nhỏ hơn nhiều so với thiệt hại thế giới phải gánh chịu vì hệ thống y tế toàn cầu mong manh", ông Widodo nhấn mạnh.
Indonesia giữ chức chủ tịch G20 đầu tiên trong năm nay và đặt mục tiêu cốt lõi là phục hồi sau đại dịch. Ông Widodo cho biết khẩu hiệu của nhiệm kỳ chủ tịch G20 là "phục hồi cùng nhau, phục hồi mạnh mẽ hơn" với trọng tâm hướng tới hệ thống y tế toàn cầu, chuyển đổi sang năng lượng bền vững và chuyển đổi kỹ thuật số.
Indonesia là nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19, ghi nhận hơn 4,2 triệu ca nhiễm và hơn 144.000 ca tử vong do nCoV, từng rơi vào tình cảnh hết giường bệnh, cạn kiệt oxy trong lúc dịch bùng phát nghiêm trọng hồi tháng 7/2021. Nước này đã tiêm vaccine đủ liều cho 45% trong tổng số 270 triệu dân, theo dữ liệu của AFP.