TIN MỚI!

Đọc nhanh >>

Khánh Hòa điều chỉnh tăng 1.200 ha đất thương mại dịch vụ tại Cam Lâm

UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, quy hoạch sử dụng đất huyện Cam Lâm đến năm 2030 sẽ tăng mạnh đất phi nông nghiệp, trong đó, đất thương mại dịch vụ tăng gần 1.200ha.

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có quyết định phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của huyện Cam Lâm.

Theo đó, tổng diện tích đất tự nhiên của Cam Lâm là hơn 54.659 ha. Trong đó, đất nông nghiệp được điều chỉnh giảm từ 46.840ha còn 42.930ha.

Cụ thể, đất nuôi trồng thủy sản giảm từ 604ha còn 102ha; đất trồng lúa từ 1.776ha còn 1.186 ha. Đặc biệt, đất trông cây lâu năm và cây hàng năm giảm mạnh lần lượt giảm hơn 1.200ha và 1.561ha.

Trong khi đó, đất phi nông nghiệp lại được quy hoạch tăng mạnh từ 6.254 ha lên 11.141ha (tăng 4.887ha) chiếm 20,35% diện tích huyện Cam Lâm.

Trong đó, đất thương mại dịch vụ tăng mạnh từ 623ha lên 1.815ha (tăng 1.192ha); đất ở nông thôn tăng gần 600ha; đất vui chơi giải trí công cộng tăng hơn 400ha; đất phát triển hạ tầng cũng tăng gần 1.400ha trong đó đất giao thông tăng hơn 1.155ha. Ngoài ra, đất chưa sử dụng của Cam Lâm cũng giảm mạnh từ 1.565ha còn 613ha.

Liên quan đến huyện Cam Lâm, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản đề xuất Chính phủ chấp thuận chủ trương cho phép lập quy hoạch chung đô thị mới tại huyện Cam Lâm và một phần của TP. Cam Ranh với mục tiêu phát triển thành đô thị theo mô hình đô thị sân bay kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái có quy mô dân số tương đương đô thị loại I.

Theo đó, Cam Lâm định hướng quy hoạch thị trấn Cam Đức, khu vực Bãi Dài và khu vực phía đông đầm Thủy Triều trở thành đô thị du lịch. Trong đó, đô thị Cam Đức đảm nhận chức năng là trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa, khoa học kỹ thuật của huyện; trung tâm du lịch, dịch vụ, thương mại, tiểu thủ công nghiệp phía nam tỉnh. Huyện tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm hoàn thành phát triển không gian và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật để thị trấn Cam Đức đạt tiêu chí đô thị loại IV thuộc tỉnh vào năm 2030.

 Huyện Cam Lâm nằm ở phía Nam tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Việt Tùng
Huyện Cam Lâm nằm ở phía Nam tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Việt Tùng

Đồng thời, Cam Lâm định hướng sẽ phát triển thương mại dịch vụ hiện đại tại khu vực bắc bán đảo Cam Ranh để phục vụ giao dịch, mua sắm và phát triển du lịch; xây dựng chợ đầu mối Cam Hải Tây thành trung tâm mua bán, trao đổi và phát triển luồng hàng; triển khai xây dựng 3 trung tâm thương mại cụm xã là Cam Tân - Cam Hòa, Cam An Nam, Cam Hải Tây.

Đến năm 2030, trên địa bàn huyện dự kiến hình thành các khu du lịch (KDL) sinh thái như: KDL sinh thái Hòn Bà (xã Suối Cát); KDL sinh thái trên hồ Suối Dầu (xã Suối Tân), KDL sinh thái trên hồ Cam Ranh (xã Cam Tân)...

Nhận diện về vai trò của huyện Cam Lâm trong quy hoạch tỉnh, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, đây là huyện nằm giữa TP. Nha Trang và TP. Cam Ranh. Phía Đông huyện tiếp giáp với biển Đông với bờ biển dài 13km và các hướng còn lại giáp các huyện và thành phố lân cận như Nha Trang, Cam Ranh, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Diên Khánh.

Về giao thông, huyện Cam Lâm gần như là “điểm đến của mọi nẻo đường”, với hàng loạt hệ thống giao thông đi qua địa bàn huyện như tuyến quốc lộ 1A, đường cao tốc Bắc – Nam, đường ven biển, đường sắt Bắc – Nam, đường biển qua cảng Cam Ranh, đường hàng không khi nằm bên cạnh Cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh.

Về tiềm năng du lịch, điều đáng kể nhất chính là huyện Cam Lâm sở hữu Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh nằm men theo 10km đường bờ biển. Hiện nay, Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh đã hoạt động và tiếp tục phát triển với hơn 40 dự án du lịch, khu nghỉ dưỡng thu hút lượng lớn du khách quốc tế. Khu du lịch này lại nằm bên cạnh và trên cùng trục đại lộ Nguyễn Tất Thành với Cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh.

“Với những tiềm năng nêu trên, huyện Cam Lâm đủ cơ sở để phát triển thành một đô thị theo mô hình đô thị sân bay kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, là khu vực có chức năng kết nối các thành phố của tỉnh Khánh Hòa. Việc lập quy hoạch chung đô thị mới tại huyện Cam Lâm và một phần TP. Cam Ranh là phù hợp với nhu cầu thực tế và định hướng phát triển của địa phương và tỉnh Khánh Hòa”, UBND tỉnh Khánh Hòa lý giải.

Nguồn: