TIN MỚI!

Đọc nhanh >>

Khi ông Cục trưởng 'đánh tráo' thuốc và thực phẩm, Sao Thái Dương hưởng lợi?

Luật Dược cũng như các thông tư, quy định của Bộ Y tế đều nghiêm cấm việc đưa thực phẩm chức năng vào việc kê đơn, tư vấn, hướng dẫn... nhưng không hiểu sao văn bản của Bộ Y tế lại có “đính kèm” hàng loạt sản phẩm thực phẩm chức năng của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương?

 

Đánh tráo khái niệm “thuốc đông y” và “thực phẩm chức năng”

Ngày 26/7/2021, Bộ Y tế đã có Văn bản số 5967/ BYT-YDCT thông báo việc thu hồi Công văn số 5944/BYT-YDCT ra ngày 24/7/2021. Cả hai văn bản trên đều do chính Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn ký. Và trong văn bản thu hồi, Bộ Y tế ghi: "do có một số nội dung chưa phù hợp nên Bộ Y tế thu hồi công văn này".

Trước đó, Công văn số 5944/BYT-YDCT đã được gửi đến các sở y tế tỉnh thành, bệnh viện y học cổ truyền, bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, cơ sở kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền cả nước.

Nhưng điều đáng chú ý nhất lại nằm ở phần phụ lục kèm theo công văn số 5944/BYT-YDCT. Phụ lục ghi rõ danh mục 26 sản phẩm y học cổ truyền thuộc 4 nhóm: sản phẩm sát khuẩn, thuốc xịt họng, sản phẩm phòng và hỗ trợ điều trị, sản phẩm hỗ trợ nâng cao sức khỏe… Và còn ghi rõ tên sản phẩm, nhà sản xuất, cách sử dụng kèm theo.

Mặc dù Bộ Y tế đã lập tức thu hồi văn bản trước đó nhưng vẫn đang gây ra những phản ứng trái chiều từ dư luận.
Mặc dù Bộ Y tế đã lập tức thu hồi văn bản trước đó nhưng vẫn đang gây ra những phản ứng trái chiều từ dư luận.

Phần đính kèm ghi rõ “Hướng dẫn sử dụng thuốc cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu trong phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19” có 26 sản phẩm, phần lớn đều của Công ty CP Sao Thái Dương và Công ty TNHH Dược phẩm Nhất Nhất.

Ở mục “Phòng và Hỗ trợ điều trị”, văn bản đưa sản phẩm Viên nang Kovir (viên cứng và mềm) của Công ty CP Sao Thái Dương; Hoạt huyết Nhất Nhất của Công ty TNHH Dược phẩm Nhất Nhất, viên nang Imboot, Xuyên tâm liên (không ghi rõ của doanh nghiệp nào)... Ngoài ra, còn có sản phẩm “Nobel tăng cường miễn dịch” của Công ty Sao Thái Dương...

 

Trả lời báo chí ngày 25/7/2021, ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý y dược học cổ truyền (Bộ Y tế) phân trần: Danh sách sản phẩm kể trên nhằm "tham mưu cho ban chỉ đạo phòng chống dịch sản phẩm sử dụng cho người không có triệu chứng hoặc F1, sản phẩm trong danh sách tập hợp các thuốc được tài trợ".

"Là thuốc đông y, sử dụng không có hại gì nhưng mọi người không hiểu, cứ đưa lên như thế", ông Thịnh trách cứ.

Rõ ràng, sản phẩm “Kovir”, “Nobel tăng cường miễn dịch” của Công ty CP Sao Thái Dương là thực phẩm chức năng (hay còn gọi là thực phẩm bảo vệ sức khỏe) và không có tác dụng như thuốc chữa bệnh nhưng vẫn được đưa vào văn bản hướng dẫn sử dụng của Bộ Y tế. Chẳng có lẽ, đường đường là Cục trưởng, mà ông Thịnh không phân biệt được đâu là thuốc, đâu là thực phẩm chức năng?

Có dấu hiệu vi phạm Luật Dược

Hơn 1 tháng trước, ông Cục trưởng Nguyễn Thế Thịnh cũng ký văn bản gửi TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương có nội dung tương tự (có đính kèm các sản phẩm thực phẩm của Sao Thái Dương) như văn bản số 5944/BYT-YDCT ra ngày 24/7/2021 đã bị thu hồi.
Hơn 1 tháng trước, ông Cục trưởng Nguyễn Thế Thịnh cũng ký văn bản gửi TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương có nội dung tương tự (có đính kèm các sản phẩm thực phẩm của Sao Thái Dương) như văn bản số 5944/BYT-YDCT ra ngày 24/7/2021 đã bị thu hồi.

Theo tìm hiểu của phóng viên Sức Khỏe 24H, “Viên nang Kovir”, “Nobel tăng cường miễn dịch”... của Công ty Sao Thái Dương  đều thực phẩm chức năng chứ không phải là thuốc chữa bệnh. Riêng sản phẩm Kovir vừa được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 5819/2021/ĐKSP ngày 25/6/2021 và ghi rõ đây là “thực phẩm bảo vệ sức khỏe”.

Không chỉ tại Văn bản số 5967/BYT-YDCT ngày 24/7/2021 của Bộ Y tế gây ra sự “bức xúc” trong dư luận, mà trước đó, vào 24/6/2021, ông Nguyễn Thế Thịnh – Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền đã ký Văn bản số 648/YDCT-QLY gửi Sở Y tế TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai về việc “Hướng dẫn sử dụng một số thuốc, sản phẩm y học cổ truyền trong phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19”. Trong văn bản này cũng “đính kèm” loạt sản phẩm là thực phẩm chức năng của Công ty Sao Thái Dương như: viên nang Kovir, Nobel tăng cường miễn dịch...

Việc Cục Quản lý Y dược cổ truyền trực tiếp ban hành hoặc tham mưu cho lãnh đạo Bộ Y tế ký văn bản “hướng dẫn” và đề nghị các Sở Y tế “mua sắm, đấu thầu, tiếp nhận” thuốc cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu (trong đó có hàng loạt thực phẩm chức năng) để hỗ trợ điều trị cho người mắc Covid-19 là có dấu hiệu vi phạm Luật Dược năm 2016 và các thông tư, văn bản của Bộ Y tế.

Cụ thể, tại Khoản 15, Điều 6, Luật Dược năm 2016 quy định: “Những hành vi bị nghiêm cấm: Thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh; Điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh; Điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.

Thông tư 05/2016/TT-BYT của Bộ Y tế cũng quy định rõ: “Cấm người kê đơn kê vào đơn thuốc các thuốc, chất không nhằm mục đích phòng bệnh, chữa bệnh; các thuốc chưa được phép lưu hành hợp pháp tại Việt Nam; thực phẩm chức năng; mỹ phẩm”.

Ngày 29/12/2017, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 52/2017/TT-BYT quy định việc kê đơn thuốc hóa dược; sinh phẩm trong điều trị ngoại trú (kê đơn thuốc). Theo đó, quy định không được kê vào đơn thuốc các nội dung tại Khoản 15 Điều 6 Luật Dược, như: thực phẩm chức năng; mỹ phẩm; các thuốc, chất không nhằm mục đích phòng bệnh, chữa bệnh,…


 

Cách phân biệt giữa thuốc đông y và thực phẩm chức năng

Thực phẩm chức năng (TPCN) hay thực phẩm bảo vệ sức khỏe là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng các bộ phận trong cơ thể người. Có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể có tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh. Tùy theo công dụng, hàm lượng vi chất và hướng dẫn sử dụng, còn có các tên gọi khác bao gồm: Thực phẩm bổ sung, Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm dinh dưỡng y học...

Theo quy định từ Bộ Y tế, thuốc là chất hoặc hỗn hợp các chất dùng cho người nhằm mục đích phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh hoặc điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể. Bao gồm thuốc thành phẩm, nguyên liệu làm thuốc, vắc xin, sinh phẩm y tế.

Thuốc Đông y là thuốc từ dược liệu, được bào chế theo lý luận và phương pháp của y học cổ truyền của các nước phương Đông. Điều này phân biệt rõ ràng với các thực phẩm chức năng có nguồn gốc thiên nhiên, từ dược liệu ở tính hiệu quả cũng như mục đích sử dụng.

Để phân biệt thực phẩm chức năng và thuốc dược liệu không khó. Cách đơn giản và chính xác nhất là dựa vào thông tin bao bì sản phẩm, thực phẩm chức năng trên bao bì sản phẩm luôn thể hiện thông tin “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.

 

Minh Tâm
Nguồn: