TIN MỚI!

Đọc nhanh >>

Quản lý dự án giao thông theo hình thức nào?

Công ty của ông Phan Ngọc Tuân (TP. Hồ Chí Minh) có 100% vốn Nhà nước, được UBND Thành phố giao làm chủ đầu tư Dự án xây dựng nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ với tổng mức đầu tư 840 tỷ đồng từ vốn ngân sách Nhà nước. Đây là dự án nhóm B, công trình cấp II.

Do yêu cầu cấp bách, dự án phải khởi công ngay trong tháng 12/2016, UBND Thành phố đã chấp thuận cho công ty của ông Tuân được thực hiện đấu thầu lựa chọn tổng thầu EPC triển khai sau khi dự án được phê duyệt.

Tuy nhiên, Công ty của ông Tuân không đủ năng lực để tự thực hiện công tác quản lý dự án. Ông Tuân hỏi, trong trường hợp này để nhanh chóng triển khai dự án, hạn chế các thủ tục thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu, Công ty của ông có thể ký hợp đồng thực hiện công tác quản lý dự án cho đơn vị tổng thầu EPC được không?

Về vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:

Nội dung câu hỏi của Ông Phan Ngọc Tuân liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ quản lý dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) của chủ đầu tư, áp dụng hình thức tổng thầu EPC.

Theo Khoản 2, Điều 16, Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ, đối với dự án sử dụng vốn NSNN, hình thức tổ chức quản lý dự án được áp dụng là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực theo quy định tại Điều 63 của Luật Xây dựng năm 2014 và Điều 17 Nghị định này.

Trường hợp người quyết định đầu tư giao cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng vốn để đầu tư xây dựng công trình là chủ đầu tư dự án thì người quyết định đầu tư giao chủ đầu tư có trách nhiệm ký hợp đồng thuê Ban quản lý dự án chuyên ngành hoặc Ban quản lý dự án khu vực để thực hiện quản lý dự án theo quy định.

Theo nội dung thông tin cung cấp, doanh nghiệp của ông Phan Ngọc Tuân là doanh nghiệp Nhà nước, được UBND TP. Hồ Chí Minh giao làm chủ đầu tư dự án nên chủ đầu tư không phải là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực theo quy định tại Điều 63 của Luật Xây dựng năm 2014. Do vậy, người quyết định đầu tư cần giao chủ đầu tư ký hợp đồng thuê Ban quản lý dự án chuyên ngành hoặc Ban quản lý dự án khu vực để thực hiện quản lý dự án theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP.

Tuy nhiên, theo Khoản 1, Điều 22 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án của tổng thầu xây dựng, tổng thầu xây dựng thực hiện hợp đồng EPC có trách nhiệm tham gia quản lý thực hiện một phần hoặc toàn bộ dự án theo thỏa thuận hợp đồng với chủ đầu tư và phải có đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng theo quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan để thực hiện công việc do mình đảm nhận.

Do vậy, ông Phan Ngọc Tuân căn cứ các quy định nêu trên, báo cáo UBND TP. Hồ Chí Minh là cấp quyết định đầu tư dự án xem xét, tổ chức thực hiện dự án cho phù hợp.

Trường hợp cần thiết, ông Tuân có thể đề nghị Bộ Xây dựng (là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý Nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng theo quy định tại Điều 162 Luật Xây dựng năm 2014) hướng dẫn chi tiết để áp dụng phù hợp.

Nguồn: