TIN MỚI!

Đọc nhanh >>

Rủi ro khi xuất khẩu phụ thuộc vào FDI

Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức rất cao, nhưng đóng góp chính thuộc khối doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đây là điểm cần lưu ý.

Trong quý I/2021, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 77,34 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý I/2021, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 77,34 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.

FDI chiếm thế “thượng phong” trong tăng trưởng xuất khẩu

Có lẽ, không cần nói quá nhiều về điểm sáng tăng trưởng xuất khẩu của nền kinh tế, bởi trong quý I/2021, cả nước ước tính xuất nhập khẩu 152,65 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 77,34 tỷ USD, tăng 22%.

Đây rõ ràng là một thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là, đóng góp cho thành tích tăng trưởng xuất khẩu này hoàn toàn thuộc vào khu vực FDI.

Cụ thể, trong tổng kim ngạch xuất khẩu trên 77 tỷ USD nói trên, khu vực trong nước chỉ đóng góp 18,3 tỷ USD, tăng 4,9%, chiếm 23,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 59,04 tỷ USD, tăng 28,5%, chiếm 76,3%.

“Tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI ngày càng lớn, lên tới trên 76,3%, trong khi trước đây, con số này chỉ trên 60% hoặc xấp xỉ 70%. Điều này cho thấy, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào khối FDI và đây là điều đáng chú ý”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nói.

Những năm gần đây, tỷ trọng đóng góp của khối FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu ngày càng lớn. Năm ngoái, khu vực FDI đóng góp 202,89 tỷ USD trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, chiếm tỷ trọng 71,7%.

Không chỉ là tỷ trọng chung, mà các con số thống kê đều cho thấy, ở các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, khu vực FDI luôn chiếm thế “thượng phong”. Chẳng hạn, với mặt hàng điện thoại và linh kiện, khu vực FDI chiếm tới chiếm 99,1%. Trong khi đó, sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện chiếm 98%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng là 93,1%. Còn với giày dép và dệt may, những tưởng lợi thế thuộc về doanh nghiệp Việt, thì khối FDI cũng chiếm tương ứng 81,9% và 62,5%.

Chính bởi thế, trong thành tích xuất siêu hơn 2 tỷ USD trong quý I/2021, thì công lớn cũng thuộc về doanh nghiệp FDI. Trong quý đầu năm nay, các doanh nghiệp FDI, nếu tính cả dầu thô, xuất siêu 8,78 tỷ USD.

Rủi ro khi phụ thuộc nhiều vào khối ngoại

Chuyện xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc quá lớn vào khối FDI đã được nhắc tới từ lâu. Tuy nhiên, khi tỷ trọng xuất khẩu của khối FDI lên tới trên 76%, thì đó là điều đáng chú ý.

Ông Vũ Thành Tự Anh (Đại học Fulbright Việt Nam) là một trong những chuyên gia đã có nhiều bình luận liên quan vấn đề này. Theo ông Tự Anh, việc nền kinh tế phụ thuộc ngày càng nhiều vào khu vực FDI là điều rất khó chấp nhận. “Nếu muốn tạo ra nội lực, thì không thể phụ thuộc vào FDI như hiện nay”, ông Tự Anh nói.

Số liệu vào thời điểm này chưa được công bố, song theo Sách Trắng doanh nghiệp 2020, tính đến cuối năm 2019, cả nước có 758.610 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó doanh nghiệp FDI là 16.878 doanh nghiệp. Thế nhưng, đóng góp cho kim ngạch xuất khẩu của cả nước của khối này chiếm tới khoảng 70%. Đó là một bất cập không nhỏ.

Chính vì vậy, quan điểm của các chuyên gia kinh tế là phải làm sao xây dựng nền kinh tế tự chủ trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hóa thị trường, nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế.

“Phải hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới, có tính tự chủ, tham gia hiệu quả, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu và khả năng chống chịu hiệu quả trước các tác động lớn, bất thường từ bên ngoài”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói.

Cùng với xây dựng năng lực sản xuất quốc gia, thì việc khuyến khích thu hút các dự án FDI tạo sức lan tỏa lớn, có kết nối với khu vực trong nước cũng đã được nhấn mạnh. Thậm chí, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã từng đề xuất việc cần có chương trình khuyến khích các chuyên gia, cán bộ quản lý đang làm việc ở các doanh nghiệp nước ngoài tách ra thành lập các doanh nghiệp của Việt Nam.

“Đây là những người có kiến thức, nắm rõ công nghệ, quy trình sản xuất, quy trình vận hành, quản trị doanh nghiệp, có mối quan hệ, kinh nghiệm... Những người này, khi tách ra thành lập doanh nghiệp, sẽ là những người thành công nhanh nhất”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Đó cũng là cách để doanh nghiệp Việt dần lớn lên, đủ sức trở thành đối tác với các doanh nghiệp FDI, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của họ. Và như thế, khu vực trong nước sẽ đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam, tránh bị phụ thuộc quá lớn như hiện nay.

Nguồn: