TIN MỚI!

Đọc nhanh >>

Thái Nguyên: Nghi vấn về chất lượng công trình xây dựng dự án khai thác mỏ thiếc gốc khu Tây Nam Núi Pháo

Sử dụng vật liệu đầu vào không đảm bảo chất lượng, thi công không đúng theo thiết kế dẫn tới nước trong hồ chứa chảy qua thân đập ra ngoài, đó là những sai phạm tại Dự án đầu tư khai thác mỏ Thiếc tiểu khu phía Nam, khu Tây Núi pháo (gọi tắt là dự án khai thác mỏ thiếc Tây Nam Núi Pháo) ở Xã Tân Thái, Hà Thượng, TT Hùng Sơn – Huyện Đại Từ (Thái Nguyên), do Công ty Cổ phần Kim loại màu Thái Nguyên (VIMICO) làm chủ đầu tư.

Dự án dùng vật liệu không đảm bảo chất lượng, đất lẫn nhiều tạp chất đá to,cành cây, rễ cây...
Dự án dùng vật liệu không đảm bảo chất lượng, đất lẫn nhiều tạp chất đá to,cành cây, rễ cây...

Được biết, dự án khai thác mỏ thiếc Tây Nam Núi Pháo, Đại Từ được UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận chủ trương đầu tư ngày 01 tháng 6 năm 2011. Dự án có mức đầu tư 105,315 tỷ đồng theo Quyết định số 410/QĐ-Vimico ngày 31/5/2013 của Tổng Công ty KS – TKV, tổng diện tích dự án là 41,36 ha nằm trên địa bàn các xã Tân Thái, Hà Thượng, TT Hùng Sơn – Huyện Đại Từ. Trải qua hai năm xây dựng, lắp đặt và hoàn thiện đến ngày 07/08/2021 Công ty Cổ phần Kim loại màu Thái Nguyên – Vimico đã tổ chức chạy thử không tải 01 hệ thống thiết bị xưởng tuyển.

Liên quan đến việc thi công dự án trên, gần đây Sức khỏe và Môi trường điện tử nhận được thông tin phản ánh của người dân trên địa bàn huyện Đại Từ về dự án Khai thác mỏ thiếc Tây Nam Núi Pháo thi công không đảm bảo chất lượng dẫn tới việc rò rỉ nước từ thân đập ngấm xuống khu vực xung quanh, khiến người dân hết sức hoang mang, lo lắng.

Trước thông tin phản ánh của người dân, PV đã vào cuộc tìm hiểu. Tại đây PV được biết, Công ty Tân Long đang thi công, xây dựng phần hồ đập của dự án. Toàn bộ phần đất dùng để đắp đập và xây dựng hồ thải Công ty đã lấy đất đá ở gần công trường để đắp. Theo quan sát tại hiện trường cho thấy, trong đất có lẫn nhiều tạp chất như các loại đất, đá to, rễ cây…. Nguy hiểm hơn, trong suốt quá trình nhà thầu thi công, không hề có tư vấn giám sát, chủ đầu tư tự ý thi công. Đặc biệt, chiều dày mỗi lớp đất đắp sai số rất lớn, nhiều lớp đất thi công không có thí nghiệm kiểm tra độ ẩm, độ chặt để kiếm soát chất lượng công trình. Điều này cho thấy sự phó mặc của chủ đầu tư và sự cẩu thả của nhà thầu trong quá trình xây dựng hồ ngăn chất thải. Không biết hậu quả lâu dài ra sao nhưng kết quả trước mắt cho thấy, thành đập không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, khiến nước chứa trong hồ thấm qua thân đập chảy ra ngoài và dẫn thẳng xuống phía dưới.

Được biết, hồ ngăn chất thải của dự án nằm trong lưu vực Hồ Núi Cốc, đây là nguồn cung cấp nước cho Nhà máy nước sạch TP. Sông Công, Tích Lương, Sam Sung, TX. Phổ Yên để cấp nước cho cả khu phía Nam tỉnh Thái Nguyên. Do đó, nếu hồ thải xây dựng không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật để xảy ra sự cố hoặc rò rỉ nước thải ra bên ngoài sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái và sức khỏe của người dân.

 

Sử dụng sắt thép hoen rỉ, xi măng vón cục cho dự án xây dựng khu sàng tuyển

Qua trao đổi với một số người dân xung quanh, ông Nguyễn Văn T. cho biết: “Việc xây dựng Dự án Khai thác mỏ thiếc Tây Nam Núi Pháo nằm trong lưu vực Hồ Núi Cốc người dân chúng tôi không đồng tình, vì đây là khu vực thượng nguồn, nếu Nhà máy hoạt động không đảm bảo, nước thải có tính chất độc hại chảy ra khu vực xung quanh và dẫn xuống hạ nguồn lưu vực Hồ Núi Cốc thì nguồn nước sinh hoạt và sức khỏe của chúng tôi sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Chưa nói gì đến việc sẽ tác động nghiêm trọng tới hệ sinh thái và cảnh quan xung quanh khu du lịch Hồ Núi Cốc”. Cùng chung nỗi trăn trở về việc xây dựng khu sàng tuyển, ông Lê Văn H. chia sẻ: Không biết các lãnh đạo chỉ đạo xây dựng bên trong thế nào, chứ bên ngoài tôi nghe anh em công nhân nói với nhau xi măng vón cục, sắt thép hoen gỉ vẫn đưa vào xây dựng như thường, còn cái hồ đập đang xây dựng đã thấy nước chảy rò rỉ ra bên ngoài dẫn xuống suối. Điều này không thể chấp nhận được.”

Theo đánh giá của Tổng cục Môi trường, ngành khai thác chế biến khoáng sản là một trong những ngành công nghiệp gây ra nhiều sự cố môi trường nhất. Thời gian qua, trên cả nước đã xảy ra nhiều sự cố liên quan đến các đập, hồ thải chứa quặng đuôi từ chế biến các loại khoáng sản khác nhau. Các chất độc hại bao gồm kim loại nặng như, axit, sulphate ..., từ chất thải đã theo nguồn nước từ khu vực mỏ gây ô nhiễm nước mặt, nước ngầm. Hầu hết nguyên nhân của các sự cố đều xuất phát từ các sai sót trong quá trình thiết kế, thi công, quản lý, giám sát hồ, đập và biến đổi bất thường của khí hậu.

 

Do tiềm ẩn nhiều nguy cơ về môi trường, theo các chuyên gia ngành khoáng sản thì quy trình, kỹ thuật đắp đập, hồ thải, quặng đuôi có những tiêu chuẩn rất khắt khe. Loại đất đắp đập phải có tiêu chuẩn riêng và phải lấy đúng đất ở vị trí mỏ vật liệu quy định để sử dụng, đất không được lẫn các tạp chất như: rác, rễ cây, củi cây và đá với hàm lượng quá lớn. Khi tiến hành đổ đất đắp đập thì loại đất đó phải được kiểm tra đạt yêu cầu thì mới tiến hành cho đắp. Sau khi đất đắp đạt yêu cầu thì phải đổ theo từng lớp. Mỗi lớp quy định khoảng 0,5m lu lèn chặt, sau đó lấy mẫu thí nghiệm tại các vị trí mà tư vấn giám sát yêu cầu. Đất phải đảm bảo độ ẩm, độ chặt cho phép thì mới được tiến hành đổ lớp thứ 2 và các lớp tiếp theo cho đến khi đạt được chiều cao theo thiết kế của đập.

Chuyên gia còn cho biết thêm:  Đối với nước sau tuyển khi thải ra hồ trong quá trình xây dựng hồ thải phải có một lớp HDPE (lớp bạt chống thấm lót xuống dưới) để ngăn không cho nước sau tuyển ngấm xuống dưới lòng hồ và chảy ra môi trường. Thông thường, đập thải phải sử dụng loại màng HDPE của Mỹ dày >=1,5mm, có khả năng chống lão hóa tốt, chống ăn mòn và chịu axit, hóa chất cao, đạt độ bền trên 50 năm. Nếu sử dụng loại màng khác như loại dày 0,5mm thì không đảm bảo yêu cầu. Như vậy lớp ngăn bằng màng HDPE chỉ mang tính hình thức vì nó quá mỏng có thể dẫn đến các sự cố như: bị thủng, rách do tác động ngoại lực, lão hóa trong quá trình làm việc...

Ngoài ra, Công ty Xây dựng Việt Cường là nhà thầu chịu trách nhiệm thi công xưởng tuyển. nhưng theo ghi nhận tại hiện trường của PV, nhà thầu đã sử dụng các loại vật liệu xây dựng kém chất lượng như sắt thép hoen gỉ, xi măng vón cục... gây ảnh hưởng lớn đến tuổi thọ công trình, tiềm ẩn nguy cơ hư hỏng, xảy ra tai nạn lao động. Mặt khác, trong quá trình thi công nhà thầu không đảm bảo an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, công nhân thi công không sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân.

Những tồn tại trên khiến dư luận băn khoăn đặt câu hỏi, Dự án Khai thác mỏ thiếc Tây Nam Núi Pháo đang bước vào giai đoạn chạy thử nghiệm nhưng lại bộc lộ nhiều sai phạm như vậy thì sau khi nhà máy đi vào sản xuất sẽ gây ra hệ lụy về môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng như thế nào? Khi hồ Núi Cốc không chỉ là nguồn cung cấp nước sạch cho cả khu dân cư phía Nam tỉnh Thái Nguyên mà còn đang được xây dựng trở thành Khu du lịch Quốc gia. Do đó, việc bảo vệ nguồn nước Hồ Núi Cốc có ý nghĩa rất quan trọng.

Điều đáng nói, những sai phạm này tồn tại đã lâu, người dân và các cơ quan truyền thông đã phản ánh đến chính quyền địa phương nhưng đến nay tình trạng trên vẫn không được xử lý dứt điểm. Phải chăng có sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của những người đứng đầu? Hay vì lợi ích kinh tế mà nhắm mắt làm ngơ, bỏ qua những hệ lụy khôn lường về môi trường.

Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương và tỉnh Thái Nguyên nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, làm rõ và có những biện pháp xử lý thật nghiêm minh, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra sau này.

Nguồn: