TIN MỚI!

Đọc nhanh >>

Thu nộp ngân sách nhà nước gần 25 nghìn tỷ đồng từ các vụ buôn lậu, gian lận thương mại

Trong năm 2020, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 185.461 vụ việc vi phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả (giảm 16,3 % so với cùng kỳ năm 2019), thu nộp ngân sách nhà nước 24.817 tỷ 656 triệu đồng (tăng 15,39% so với cùng kỳ).

 

Tổng cục Hải quan đã phát hiện, xử lý 16.750 vụ vi phạm, nộp ngân sách nhà nước 1.974 tỷ 219 triệu  đồng; khởi tố 47 vụ; chuyển cơ quan khác đề nghị khởi tố 144 vụ.

Tổng cục Thuế đã phát hiện, xử lý 80.392 vụ vi phạm, nộp ngân sách nhà nước 21.638 tỷ 062 triệu đồng.

Cùng với đó khởi tố 2.543 vụ với 3.502 đối tượng (tăng 28,3% số vụ và 49,46% số đối tượng so với cùng kỳ).

Trong 5 năm qua, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý gần 1,24 triệu vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 116,9 nghìn tỷ đồng, khởi tố hình sự 10.288 vụ, 12.398 đối tượng.

 Ngân sách nhà nước thu gần 25 nghìn tỷ đồng từ các vụ vi phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong năm 2020.
Ngân sách nhà nước thu gần 25 nghìn tỷ đồng từ các vụ vi phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong năm 2020.

Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) vừa tổ chức họp báo thông tin về kết quả công tác năm 2020, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2021.

Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho hay, “Thời gian gần đây, khi Việt Nam đã cơ bản khống chế được dịch bệnh COVID-19, thì hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có chiều hướng nóng trở lại, mặt hàng chủ yếu là hàng điện tử điện lạnh cũ, thuốc lá ngoại, ma túy…”

Đại diện Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo thừa nhận, hiện nay, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn tiềm ẩn và diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng mua bán, vận chuyển ma túy, thuốc lá; gian lận thuế xuất, nhập khẩu, kinh doanh và lợi dụng thương mại điện tử để vi phạm pháp luật; buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng đã qua sử dụng; hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận xuất xứ “Made in Việt Nam”.

“Tồn tại trên có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan như cơ chế chính sách, phối hợp lực lượng, trang bị phương tiện... Nhưng quan trọng nhất vẫn là tinh thần, trách nhiệm của các đơn vị chức năng và cán bộ thực thi công vụ", ông Đàm Thanh Thế thừa nhận.

Năm 2021, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia sẽ tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch trọng điểm nhằm ngăn chặn những hành vi vi phạm nổi lên trên địa bàn phụ trách. Tăng cường công tác nắm tình hình địa bàn, phát hiện các vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, không để tạo thành các điểm nóng phức tạp, kéo dài.

Các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng cần nâng cao năng lực để nhận diện các phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, nhằm phát hiện các đối tượng chủ mưu, cầm đầu để đánh trúng, đánh đúng, đấu tranh ngăn chặn, triệt phá hiệu quả các đường dây, ổ nhóm tội phạm, không chạy theo sự vụ.

Đáng chú ý, Ban Chỉ đạo 389 đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách; điều chuyển, đề xuất điều chuyển, thay thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xử lý nghiêm các vi phạm.

Huyền Châu
Nguồn: