TIN MỚI!

Đọc nhanh >>

Trời trở lạnh sâu, người cao tuổi nhập viện cấp cứu tăng đột biến

Nếu như trước đây, bác sĩ Cường và các đồng nghiệp tiếp nhận khoảng 30 – 40 bệnh nhân/ngày thì hiện con số này lên tới 50 - 60 bệnh nhân, đa phần là ca nặng.

Tại Khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương 3 ngày gần đây, không khí làm việc hối hả, bận rộn cả ngày lẫn đêm. Người vào viện cấp cứu tăng liên tục theo từng giờ, từng phút.

Bác sĩ Nguyễn Danh Cường, Phó trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ cho biết, nếu như trước đây đơn vị tiếp nhận khoảng 30 – 40 bệnh nhân/ngày thì hiện con số này lên tới 50 - 60 bệnh nhân, đa phần là ca nặng, phải nhập viện.

Sau khi tiến hành cấp cứu ban đầu, một số trường hợp được giữ lại Khoa để điều trị, những ca diễn tiến xấu hơn sẽ điều chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực, ca nhẹ chuyển về Khoa Nội chung. Dù việc điều chuyển diễn ra liên tục, nhưng số bệnh nhân trong Khoa luôn cao bởi lượng bệnh nhân mới rất nhiều.

 Bệnh nhân cao tuổi nhập viện cấp cứu tăng đột biến những ngày này, khi trời trở lạnh sâu - Ảnh: N.Liên
Bệnh nhân cao tuổi nhập viện cấp cứu tăng đột biến những ngày này, khi trời trở lạnh sâu - Ảnh: N.Liên

Bác sĩ Cường thông tin, thời tiết rét sâu, rét kéo dài những ngày gần đây là nguyên nhân khiến cho lượng bệnh nhân tới cấp cứu và số ca bệnh nặng tăng đột biến.

Nam bác sĩ lý giải, phần lớn các cơ quan ở người cao tuổi đã lão hóa. Khi nhiệt độ thay đổi, đáp ứng của người cao tuổi vì thế kém hơn người trẻ. Họ dễ mắc bệnh lý về hô hấp như viêm họng, viêm phổi, bệnh hen phế quản hoặc đợt cấp tính của các bệnh mạn tính.

Ngoài ra, nếu nhiễm lạnh đột ngột, đối tượng có sẵn yếu tố nguy cơ (như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường…), huyết áp dễ tăng vọt dẫn đến đột quỵ. Người cao tuổi thường đa bệnh lý, sức đề kháng suy giảm, cơ chế điều hòa mạch máu não kém. Khi thay đổi môi trường đột ngột trong thời tiết lạnh, nguy cơ đột quỵ càng cao.

Cũng theo bác sĩ Cường, khi trời lạnh sâu, nhiều bệnh nhân có tâm lý chủ quan, thay đổi lối sống, giờ giấc sinh hoạt.

Một số người phải dùng thuốc định kỳ điều trị bệnh mạn tính, nay có thể trì hoãn uống thuốc, hoặc bỏ khám định kỳ, chờ thời tiết ấm hơn. Điều này dễ khiến bùng phát các đợt cấp tính của bệnh nền và tăng nguy cơ đột quỵ.

Hiện tại, 1/3 số ca vào cấp cứu tại Khoa Cấp cứu và Đột quỵ là bệnh nhân đột quỵ, số còn lại do mắc các bệnh về hô hấp, tim mạch.

Khoa có 6 bác sĩ, 30 điều dưỡng chia thành các kíp, kết hợp cùng nhiều học viên nội trú, cao học khác. Bác sĩ Cường cho biết, lượng bệnh nhân tăng đột biến khiến áp lực của y bác sĩ cấp cứu cũng vì thế tăng lên.

Tuy nhiên, Khoa không bị “quá tải” bởi đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ số giường bệnh, số thuốc, trang thiết bị cấp cứu cho thời điểm khắc nghiệt này.

 

 Bác sĩ Nguyễn Danh Cường, Phó trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương - Ảnh: N.Liên
Bác sĩ Nguyễn Danh Cường, Phó trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương - Ảnh: N.Liên
 Bác sĩ Cường thăm khám cho bệnh nhân Đinh Văn L., một trong những ca nặng đang điều trị tại Khoa - Ảnh: N.Liên
Bác sĩ Cường thăm khám cho bệnh nhân Đinh Văn L., một trong những ca nặng đang điều trị tại Khoa - Ảnh: N.Liên

Một trong những trường hợp nặng nhất đang được bác sĩ Cường cùng các đồng nghiệp điều trị là nam bệnh nhân Đinh Văn L. (71 tuổi, ở Bắc Giang). Người này có tiền sử bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, việc nhiễm lạnh gây viêm phổi khiến bệnh tiến triển lên đợt cấp.

Khi được chuyển từ bệnh viện tuyến tỉnh lên Bệnh viện Lão khoa Trung ương, người bệnh đã ở trong tình trạng suy hô hấp nặng, không thể tự thở. Do ông L. không đáp ứng với hỗ trợ thở máy không xâm nhập, bác sĩ quyết định can thiệp thở máy xâm nhập cho bệnh nhân.

May mắn, sau 5 ngày thở máy, người bệnh tiến triển tốt, đang chuyển sang giai đoạn cai máy thở.

Tuy nhiên, bác sĩ Cường cho biết bệnh phổi tắc nghẹn mãn tính nếu không được điều trị duy trì, thăm khám thường xuyên và có biện pháp dự phòng khi trời lạnh, nguy cơ tái phát đợt cấp rất lớn do sức đề kháng của người cao tuổi giảm, dễ nhiễm lạnh, viêm phổi.

Nam bác sĩ khuyến cáo, để tránh hệ lụy xấu với sức khỏe khi trời trở lạnh sâu, người cao tuổi nên đảm bảo đủ ấm, nhất là vùng đầu, mặt, cổ, ngực và chân. Tránh đi ra ngoài khi nhiệt độ quá thấp, tránh dậy sớm, thức khuya. Nên duy trì tập thể dục, tuy nhiên trong thời tiết lạnh tốt nhất là tập luyện tại nhà.

Về thói quen ăn uống, cần ăn chín, uống sôi, ăn đồ ấm, chú ý uống đủ nước, ăn đủ chất dinh dưỡng, ăn đủ bữa và đúng giờ.

Ngoài ra, luôn giữ môi trường trong nhà đủ ấm, tránh gió lùa, sạch sẽ vì thời tiết lạnh, ẩm thấp dễ khiến các loại virus, vi khuẩn gây cúm và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Duy trì uống thuốc đều, đủ, đúng giờ nếu có bệnh nền.

Khi phát hiện sức khỏe có bất thường, cần tới ngay các cơ sở y tế để được tư vấn sớm nhất.

Nguyễn Liên

Nguyễn Liên
Nguồn: