TIN MỚI!

Đọc nhanh >>

Trungnam Group: 'Ông trùm' điện gió nhưng lãi bọt bèo, sống nhờ đi vay, ráo riết huy động vốn từ trái phiếu

Mặc dù được mệnh danh là "ông lớn" của ngành điện gió Việt Nam, song nguồn lực tài chính của Tập đoàn Trung Nam (Trungnam Group) lại chủ yếu là đi vay, các dự án chưa mang lại hiệu quả cao.

Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) được thành lập vào năm 2004. Đến nay, qua 18 năm hoạt động, doanh nghiệp này đã có hệ thống 15 công ty thành viên, hoạt động trong những lĩnh vực chính gồm: Năng lượng, xây dựng, hạ tầng và bất động sản.

Trong lĩnh vực bất động sản, Trungnam Group thông qua công ty con là Trungnam Land góp mặt hai dự án lớn nhất của Đà Nẵng thời bấy giờ là Khu đô thị sinh thái Golden Hills (Đà Nẵng), dự án Khu công viên văn hóa và đô thị Đà Lạt - Golf Valley.

Trungnam Group, một trong những "ông lớn" của ngành điện gió Việt Nam. (Ảnh:trungnamgroup.com.vn)

Trong đó, dự án khu đô thị sinh thái Golden Hills - Đà Nẵng với tổng mức đầu tư 1,67 tỷ USD (tương đương 38.000 tỷ đồng) do một công ty thành viên của Trung Nam Group là Trung Nam Land làm chủ đầu tư, rộng 350 ha, được khởi công xây dựng từ năm 2011.

Tuy nhiên, sau khi xây dựng xong phần thô và đi vào hoàn thiện thì những hạng mục còn lại của dự án lại đình trệ suốt nhiều năm, điều này khiến cho dự án Golden Hills City liên tục lỗi hẹn về tiến độ. Vào giữa năm 2017, để hồi sinh dự án này, Trungnam Land đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng và kinh doanh với Công ty TNHH Thịnh Phát Hà Nội.

Vào tháng 7/2019, UBND quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) đã ra quyết định xử phạt 40 triệu đồng đối với Trung Nam Land vì hành vi xây dựng dự án Golden Hills City (Khu D2) khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Cuối năm 2019, Bộ Xây dựng đã đề nghị UBND TP Đà Nẵng rà soát, kiểm tra cụ thể 800 lô đất tại khu vực có diện tích 12,77 ha ở khu B và C thuộc dự án Golden Hills City của Trung Nam Group.

Hồi năm 2008, Trungnam Group và một số đối tác khác đã công bố sẽ xây dựng tòa tháp đôi với tổng mức đầu tư 180 triệu USD tại Đà Nẵng với tham vọng xây dựng theo mô hình “thung lũng silicon” của Mỹ. Tuy nhiên, mãi đến năm 2014, dự án này vẫn chỉ là bãi đất hoang, trong khi Trungnam Group đã chuyển toàn bộ cổ phần của mình tại dự án này cho đối tác khác.

Trong lĩnh vực hạ tầng, Trungnam Group nổi bật nhất với việc làm dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TP.HCM thời điểm giữa năm 2016. Tuy nhiên do những khó khăn, vướng mắc trong việc tái cấp vốn và phụ lục hợp đồng BT khiến tiến độ hoàn thành dự án bị lùi lại nhiều lần.

Trungnam Group xuất phát là công ty xây dựng cơ sở hạ tầng và hiện nay tập đoàn này đang đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, tập trung vào các dự án điện mặt trời, điện gió. Và để thực hiện các dự án của mình, dĩ nhiên, Trungnam Group phải đi huy động vốn, việc vay nợ chủ yếu là các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của tập đoàn này, với giá trị lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.

Chỉ tính riêng công ty con là Công ty Cổ phần Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 - chủ đầu tư dự án nhà máy điện gió Ea Nam ở Đắk Lắk đã huy động hơn 16.000 tỷ đồng trái phiếu trong giai đoạn tháng 6/2020 đến nay.

Năm 2021, nhóm Trungnam Group đã huy động 9.500 tỷ đồng trái phiếu, hầu hết các lô trái phiếu đều có kỳ tính lãi 3 hoặc 6 tháng/lần, lãi suất 9,5 - 11%/năm. Như vậy, chỉ riêng số lượng trái phiếu huy động trong năm 2021, mỗi lần trả lãi của Trungnam Group sẽ rơi vào khoảng 500 tỷ đồng. Nếu tính cả năm 2020, Trungnam Group đã huy động khoảng 23.000 tỷ đồng từ trái phiếu, với lãi suất trung bình từ 9,5%/năm, kỳ tính lãi trung bình 3 - 6 tháng/lần.

Đáng nói, Trungnam Group dồn dập vay nợ trong khi lợi nhuận mang lại lại quá bèo bọt. Theo đó, năm 2018, doanh thu khá cao 3.600 tỷ đồng song Trungnam Group ghi nhận lãi vỏn vẹn chỉ 31,5 tỷ đồng. Năm 2019, Trungnam Group ghi nhận doanh thu tăng lên gần 6.500 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế 124 tỷ đồng. Năm 2020, công ty ghi nhận 10.285 tỷ đồng doanh thu nhưng chỉ đạt 132 tỷ đồng lợi nhuận. Năm 2021, lợi nhuận của doanh nghiệp tăng đột biến lên hơn 2.100 tỷ đồng.

Được biết, trong năm 2021, Trungnam Group đã bán 49% cổ phần tại Nhà máy điện mặt trời Trung Nam cho Công ty Cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Châu (ACIT) và bán 35,1% cổ phần nhà máy điện gió Trung Nam cho Hitachi Sustainable Energy (Hitachi SE ) – thành viên của Tập đoàn Hitachi (Nhật Bản). Đây có thể là nguyên nhân giúp lợi nhuận tập đoàn đột biến năm qua, chứ không phải thu từ sản xuất kinh doanh.

Tính đến cuối năm 2021, công ty mẹ Trungnam Group có tổng tài sản 41.111 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 23.321 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu ở mức 23,8%, tương đương tổng nợ vay 2.780 tỷ đồng. 

Có thể thấy rằng, việc liên tục mở rộng đầu tư, tận dụng các đòn bẩy tài chính huy động vốn để "lớn" nhanh nhưng khi những dự án trọng điểm phát sinh vấn đề, Trungnam Group cũng có thể sẽ phải đối diện với thách thức lớn mà lớn nhất là năng lực tài chính.

Các dự án điện mặt trời sử dụng đòn bẩy tài chính cao, phụ thuộc nhiều vào vốn đi vay. Làn sóng ồ ạt phát hành trái phiếu để phát triển dự án điện mặt trời khiến nhiều ý kiến lo ngại liệu có xảy ra rủi ro.

Theo đó, các dự án điện mặt trời được khuyến khích vì cả nước đang thiếu điện, lãi suất không cao nhưng các lại tập trung chủ yếu ở Bình Thuận, Ninh Thuận, những nơi đang bị quá tải công suất.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) từng cảnh báo, dù có nguồn công suất tại chỗ lớn nhưng phụ tải của Bình Thuận và Ninh Thuận rất nhỏ, hệ thống lưới điện quá tải, trong đó có đường dây quá tải đến 360%, buộc phải cắt giảm công suất của các nhà máy điện mặt trời để bảo đảm an toàn hệ thống điện. Giải pháp duy nhất để giải tỏa công suất là đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện, song cũng phải mất từ 3 - 6 năm.

Thực tế, Công ty Mua bán điện thuộc EVN vừa có văn bản số 6082 thông báo dừng khai thác đối với phần công suất chưa có cơ chế giá điện của nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450MW của Trungnam Group làm ảnh hưởng đến nguồn thu của công ty.

Các chuyên gia cảnh báo, nhà đầu tư cần thận trọng khi đổ tiền đầu tư trái phiếu doanh nghiệp điện mặt trời, bởi rủi ro các dự án phải giảm công suất dẫn đến khả năng thu hồi vốn, trả nợ của chủ đầu tư bị ảnh hưởng. Thậm chí, có dự án huy động vốn qua kênh trái phiếu nhưng không nằm trong quy hoạch, không có hợp đồng đấu nối vào lưới điện quốc gia, chủ đầu tư mỏng vốn, không thực hiện dự án đúng tiến độ…

Mặt khác, trước và sau vụ lừa đảo xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Bộ Tài chính và cơ quan có thẩm quyền liên tục đưa ra cảnh báo rủi ro khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Cụ thể, một số doanh nghiệp đẩy mức lãi suất phát hành trái phiếu lên cao để huy động vốn dù tình hình tài chính còn yếu; Nhiều nhà đầu tư cá nhân cố tình vi phạm để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp để mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hoặc góp vốn thông qua hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo pháp luật dân sự; Một số tổ chức cung cấp dịch vụ chưa tuân thủ quy định pháp luật, hợp thức hóa hồ sơ chào bán hoặc chào mời không đúng đối tượng nhà đầu tư đối với trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Đặc biệt, rủi ro lớn nhất trên thị trường hiện nay là rủi ro từ các nhà đầu tư cá nhân thiếu khả năng phân tích, đánh giá rủi ro của trái phiếu những vẫn tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp.

Nguồn: