TIN MỚI!

Đọc nhanh >>

Vì sao Cục Hải quan Bắc Ninh vướng nhiều bê bối?

Cục Hải quan Bắc Ninh nhiều lần bị tố gây khó dễ cho doanh nghiệp trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Trụ sở Cục Hải quan Bắc Ninh.
Trụ sở Cục Hải quan Bắc Ninh.

Làm chậm tờ khai hải quan

Ngày 1/7/2020, trên Cổng Dịch vụ công quốc gia có tài khoản lấy tên Công ty TNHH Luxshare-ICT kiến nghị về việc bị Chi cục Hải quan Quản lý các khu công nghiệp Bắc Giang gây khó khăn trong quá trình làm thủ tục tờ khai.

Theo đó, Công ty TNHH Luxshare-ICT là đơn vị thường xuyên mở tờ khai tại Chi cục Hải quan Quản lý các khu công nghiệp Bắc Giang, đơn vị trực thuộc Cục Hải quan Bắc Ninh.

Những năm trước, doanh nghiệp khi mở tờ khai thì được phía Hải quan giúp đỡ và tạo điều kiện. Tuy nhiên, vài tháng gần đây khi doanh nghiệp mở rộng thêm sản xuất tai nghe không dây cho đối tác là Iphone của Apple, do doanh nghiệp phải liên tục sản xuất thì mới đáp ứng đủ cho đối tác, thì không hiểu sao lại bị… phía Hải quan gây khó dễ.

Thông thường, tờ khai nhập khẩu nguyên liệu của doanh nghiệp được gửi đi từ 9h sáng, nhưng nhiều hôm đến 4h chiều cũng không được thông quan tờ khai để lấy hàng. Chính vì quá trình làm chậm, có dấu hiệu gây phiền hà trong khi làm thủ tục tờ khai của Chi cục Hải quan Quản lý các khu công nghiệp Bắc Giang đã gây thiệt hại nhiều cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp đã phản ánh lên Chi cục trưởng Hải quan Bắc Giang, Cục trưởng Hải quan Bắc Ninh, nhưng tình trạng chậm trễ không cải thiện gì. Chính vì vậy doanh nghiệp mới có nội dung kiến nghị gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan nhanh chóng chấn chỉnh sự việc.

Trong một diễn biến khác, TAND tỉnh Thái Nguyên, mới đây, đã thụ lý vụ án Cty CP Vương Anh kiện Cục trưởng Cục Hải quan Bắc Ninh. Những vấn đề người khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết gồm: Hủy toàn bộ quyết định của Cục trưởng Hải quan Bắc Ninh về việc ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; hủy quyết định của Cục trưởng Hải quan Bắc Ninh về xử phạt vi phạm hành chính; bồi thường thiệt hại do quyết định hành chính gây ra…

Vợ Cục trưởng làm doanh nghiệp logistics

Cty CP Tiếp vận ATT Việt Nam có mã số doanh nghiệp là 0107039063 do Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở KHĐT Hà Nội) cấp đăng ký lần đầu năm 2015 và thay đổi lần thứ 2 vào tháng 11/2018, vốn điều lệ 10 tỷ đồng.

Theo Biên bản họp đại hội cổ đông năm 2019, doanh nghiệp này có 3 cổ đông là ông Trần Tuấn Anh, người đại diện pháp luật, nắm giữ 60% cổ phần; bà Phạm Thị Thu nắm 30% cổ phần; còn lại là cổ phần của bà Lý Thị Tuyết Nhung.

Được biết, bà Phạm Thị Thu là vợ của ông Trần Thành Tô, Cục trưởng Cục Hải quan Bắc Ninh.

Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cho biết, Cty CP Tiếp vận ATT Việt Nam có nhiều bạn hàng lớn tại Bắc Ninh, Bắc Giang và Thái Nguyên, nơi Cục Hải quan Bắc Ninh quản lý. Một số doanh nghiệp lớn như Cty Luxshare VT, Vinasolar, Wonjin,… đều là khách hàng của ATT Việt Nam.

Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng. Như vậy, Cty ATT được xem là có liên quan mật thiết đến nhiều lĩnh vực mà ngành hải quan quản lý.

Điều 83, Nghị định 59/2019/ND-CP quy định, xử lý bằng hình thức cảnh cáo đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ, chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.

Với quy định rất rõ ràng, dư luận đang trông chờ vào sự nghiêm minh của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan.

 

Nhóm PV
Nguồn: