TIN MỚI!

Đọc nhanh >>

Công ty bao bì Tâm Thư chưa đủ điều kiện kinh doanh vẫn ngang nhiên hoạt động

Vài năm trở lại đây, nhu cầu in ấn ngày một tăng cao và in ấn được coi là một trong những ngành nghề rất phát triển. Để đủ điều kiện hoạt động các cơ sở sản xuất phải đáp ứng được nhiều quy định, trong đó có quy trình rất khắt khe trong đảm bảo an toàn lao động và bảo vệ môi trường.

Nhà nước cũng đã có những quy định, tiêu chuẩn nhất định dành cho các doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề in ấn. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều công ty có dấu hiệu vi phạm điều kiện kinh doanh nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động. Một trong số đó là Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương Mại bao bì Tâm Thư (Công ty bao bì Tâm Thư), xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ (Hà Nội).

Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương Mại bao bì Tâm Thư.
Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương Mại bao bì Tâm Thư.

 

Trước phản ánh của bạn đọc, PV đã đến địa chỉ của Công ty bao bì Tâm Thư và có buổi làm việc với ông Vũ Văn Tiệp, Giám đốc Công ty để xác minh thông tin.

Được biết, Công ty bao bì Tâm Thư có địa chỉ tại Cụm Công nghiệp Đầm Sen, xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ (Hà Nội), bắt đầu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất giấy nhăn, bìa nhăn, bao bì từ ngày 28/10/2015, được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội cấp giấy phép kinh doanh (mã số thuế) số 0107068226 do ông Vũ Văn Tiệp làm người đại diện pháp luật. 

Tại buổi làm việc, ông Tiệp cho biết: “Mặt bằng trụ sở nhà máy hiện tại (khoảng 2000m2) không thuộc quyền sở hữu của tôi, mà tôi được thuê lại theo phương thức thoả thuận miệng, đến tháng trả tiền”. Ông Tiệp không cung cấp được hợp đồng thuê mặt bằng này. Giấy tờ pháp lý duy nhất chủ cơ sở kinh doanh cung cấp được tại thời điểm đó chỉ có giấy phép đăng kí kinh doanh.

Khi được hỏi về các loại giấy tờ cần thiết khác như hồ sơ môi trường, giấy phép phòng cháy chữa cháy, hợp đồng lao động với công nhân, chủ cơ sở kinh doanh đều không thể đưa ra.

Không đảm bảo điều kiện lao động và không ký hợp đồng cho người lao động

Tại thời điểm PV đến, công nhân của Công ty bao bì Tâm Thư đang pha mực in bao bì. Mùi mực in, mùi dầu mỡ máy móc, mùi hoá chất…nồng nặc trong không khí. Mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây nhiễm chéo cao, công ty có gần 20 công nhân nhưng một số công nhân trong cơ sở không đeo khẩu trang theo quy định phòng, chống dịch.

Công nhân làm việc không mặc đồ bảo hộ và đổ trực tiếp hoá chất xuống bể nước xả thải bên dưới.
Công nhân làm việc không mặc đồ bảo hộ và đổ trực tiếp hoá chất xuống bể nước xả thải bên dưới.

 

Theo quan sát của PV, trong quá trình làm việc, khi tiếp xúc với loại hoá chất màu xanh đặc được chứa đầy trong những thùng nhựa không có nhãn mác, cũng không thấy công nhân nào mặc đồ bảo hộ lao động. Dụng cụ duy nhất các công nhân sử dụng khi pha mực in là một que gỗ có chiều dài từ 60-70cm. Sau khi pha xong, những hoá chất thừa được đổ trực tiếp xuống phía dưới là bể chứa chất thải đen xì, bốc mùi khó chịu. 

Quy trình xử lý nước thải không đảm bảo

Trao đổi với PV, bà N. (người dân sống ở gần công ty) cho biết: “Do sợ ảnh hưởng từ hoá chất trong mực in nên các hộ dân lân cận hầu hết không dám dùng nước giếng để đun nấu và sinh hoạt mà phải mua nước sạch từ nhà máy, việc công ty có sử dụng hệ thống xử lý chất thải hay không thì không ai biết”.

Khi được hỏi về hệ thống xử lý chất thải mực in trong cơ sở sản xuất ông Tiệp cho biết:  “Công ty có xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường, kết thúc quá trình rửa thiết bị máy móc và mực thừa sẽ được đổ trực tiếp xuống một bể chứa. Tiếp theo nước thải được hút lên hệ thống xử lý nước thải để tách nước và phần thô, sau đó phần thô sẽ được thu gom về nơi chứa chất thải công nghiệp”. Tuy nhiên, khi PV yêu cầu cung cấp hợp đồng và thông tin địa chỉ công ty thu gom và nơi chứa chất thải trên thì ông Tiệp trả lời là “không rõ”.

Thậm chí, ông Tiệp còn cho biết thêm tại khu công nghiệp trên địa bàn rất nhiều công ty không có máy xử lý chất thải công nghiệp hoặc xử lý theo quy trình tương tự.

Ông Tiệp, Giám đốc Công ty bao bì Tâm Thư (áo xám, đeo kính) đang giới thiệu về quy trình xử lý chất thải.
Ông Tiệp, Giám đốc Công ty bao bì Tâm Thư (áo xám, đeo kính) đang giới thiệu về quy trình xử lý chất thải.

 

Được biết, nước thải mực in với đặc điểm là độ màu cao và hàm lượng chất hữu cơ cao vượt gấp nhiều lần so với tiêu chuẩn đầu ra. Từ các công đoạn của quá trình sản xuất, vệ sinh thiết bị máy móc và quá trình vệ sinh xưởng khi mực in bị đổ tràn với các chất ô nhiễm chính là acrylic resin dạng nhũ tương hòa tan trong nước và bột màu. Đây là một trong những loại nước thải công nghiệp rất khó phân hủy sinh học. Đồng thời được cấu tạo bởi nhiều hoá chất, mực in có thể gây ung thư, biến đổi gen, ngộ độc, độc hại cho sinh sản như chì và các hợp chất của chì.

Những thùng đựng hoá chất từ mực in không nhãn mác xếp chồng chéo, bày tràn lan trên sàn.
Những thùng đựng hoá chất từ mực in không nhãn mác xếp chồng chéo, bày tràn lan trên sàn.

 

Cũng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp – QCVN 40:2011/BTNMT, xử lý nước thải mực in phải có quy trình khoa học theo hệ thống. Nước thải chuẩn sau khi thải ra môi trường phải đạt đủ những thông số ở cột A,B. Sau khi nghiên cứu và tìm hiểu, quy trình được một số công ty môi trường đề nghị xử lý như sau:

Nước thải sản xuất mực in sẽ được đưa về hố thu gom, được trang bị lưới tránh rác để giữ lại những rác thải rắn có kích thước lớn. Sau đó nước thải tiếp tục di chuyển qua bể keo tụ. Tại bể keo tụ, sẽ bơm định lượng dung dịch NaOH nhằm điều chỉnh độ pH của nước thải. Nước thải tiếp tục di chuyển đến bể tạo bông. Tiếp tục hòa PAC và Polymer vào nước thải mực in để thúc đẩy quá trình tạo bông, là điều kiện thuận lợi cho quá trình lắng. Sau đó nước thải được qua quá trình lắng 1, tiếp tục qua hai lần xử lý ở bể điều hoà và được xử lý sinh học hiếu khí (Aerotank) bằng bùn hoạt tính rồi mới đến quá trình lắng 2. Nước thải sau quá trình lắng có hàm lượng BOD, COD giảm 70-80%. Bùn lắng ở đáy được hút lên vận chuyển về bể chứa bùn thực hiện xử lý trước khi thải ra môi trường. Nước thải trước khi ra nguồn tiếp nhận đạt tiêu chuẩn QCVN 40 – 2011/BTNMT (Cột B).

Đứng trước tình trạng nước thải công nghiệp đang vấn đề đáng quan tâm hiện nay, câu hỏi lớn cần đặt ra rằng tại sao Công ty bao bì Tâm Thư có thể ngang nhiên ngày đêm hoạt động, xử lý chất thải một cách qua loa và sai quy trình tiêu chuẩn mà dường như chưa hề bị lực lượng chức năng kiểm tra hay nhắc nhở?!

Không có giấy phép phòng cháy chữa cháy

Đáng nói, Công ty bao bì Tâm Thư là một cơ sở sản xuất giấy, bìa và bao bì, là kho vật liệu chứa nhiều chất liệu dễ gây ra cháy nổ thế nhưng tại thời điểm PV có mặt, Công ty bao bì Tâm Thư không trang bị bất kì thiết bị PCCC nào như bình chữa cháy, bộ nội quy tiêu lệnh phòng cháy...trong khắp khu sản xuất. Với nhiệt độ hiện tại cũng như khi vận hành máy móc để sản xuất, khu xưởng nóng hầm hập như sẵn sàng bùng cháy bất cứ khi nào.

Đi khắp khu sản xuất không thấy sự xuất hiện của thiết bị PCCC.
Đi khắp khu sản xuất không thấy sự xuất hiện của thiết bị PCCC.

Theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020, cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC bao gồm cả “Kho hàng hóa, vật tư cháy được hoặc hàng hóa, vật tư không cháy đựng trong các bao bì cháy được; bãi chứa hàng hóa, vật tư, phế liệu cháy được có diện tích từ 500m2 trở lên”. Theo đó, phòng cháy chữa cháy trong nhà xưởng doanh nghiệp là điều kiện bắt buộc để được phép hoạt động và đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy nổ gây ra.

Theo ông Tiệp, công ty đã đi xin giấy cấp phép an toàn PCCC nhưng “không xin được”. Ông Tiệp cũng không cung cấp được cho PV hồ sơ đã chuẩn bị để xin cấp giấy phép, không rõ xin vào thời điểm nào, lý do chưa đạt đủ yêu cầu cấp giấy phép là gì?.

Trước thực tế trên, rõ ràng Công ty bao bì Tâm Thư đang vi phạm nghiêm trọng các quy định về Luật bảo vệ môi trường, quy định về phòng chống dịch bệnh COVID 19. Công ty hoàn toàn không đủ điều kiện tiếp tục hoạt động trước những sai phạm trọng quy định PCCC và công tác sử dụng, bảo hộ cho người lao động.

Không hiểu vì lý do gì công ty vẫn đang ngày đêm ngang nhiên hoạt động tiếp diễn những sai phạm trên?. Thậm chí, những sai phạm trên đã tiếp diễn trong một thời gian dài, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân nhưng không hề “đến tai” của chính quyền địa phương?.

Trước hành vi sai phạm trong hoạt động sản xuất của Công ty bao bì Tâm Thư, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội nhanh chóng vào cuộc làm rõ và cần có biện pháp xử lý Công ty bao bì Tâm Thư đang gây ảnh hưởng lớn đến môi trường và đời sống của người dân.

Tạp chí Doanh nhân và Pháp lý sẽ tiếp tục đưa tin.

Dũng Lộc – Mai Anh

Nguồn: