TIN MỚI!

Đọc nhanh >>

Điều ít biết về 'đế chế' đa ngành PGS Group

Khởi sự là một doanh nghiệp địa phương với vai trò phân phối xe máy và ô tô, những năm gần đây, Tổng Công ty PGS đã mở rộng hoạt động kinh doanh sang cả nhà hàng và bất động sản.

 <em>Doanh nhân Phan Thị Xuân. Ảnh: PGS</em>
<em>Doanh nhân Phan Thị Xuân. Ảnh: PGS</em>

Vào năm 1999, phương tiện đi lại chính của người dân Việt Nam là xe máy Trung Quốc với giá thành rẻ nhưng đi kèm đó là chất lượng kém, thêm vào đó, các hãng xe máy trong nước cũng đã xuất hiện nhưng mang tính thưa thớt, chủ yếu thăm dò thị trường bằng một số sản phẩm có chất lượng, dẫu vậy giá thành lại rất cao.

Giữa bối cảnh đó, doanh nhân sinh năm 1955 Phan Thị Xuân với mong muốn đưa sản phẩm xe máy chất lượng tốt, giá thành phù hợp đến với người dân, đã thành lập nên Doanh nghiệp tư nhân thương mại Xuân Bình - tiền thân của CTCP Tổng Công ty PGS.

“Thời điểm mới được thành lập, doanh nghiệp của tôi chỉ vẻn vẹn có 3 người, là 2 người thợ và tôi – người kiêm nhiệm tất cả mọi việc. Mới đầu, nhiều lúc tôi nghĩ rằng mình không thể vượt qua được khi khó khăn lớn nhất là nguồn vốn, bởi thời điểm ấy tôi chưa có thương hiệu và uy tín, trong khi bán một chiếc xe máy lúc đấy chỉ lãi 100 nghìn đồng”, bà Phan Thị Xuân từng chia sẻ.

Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, PGS hiện nay đã trở thành tổng công ty kinh doanh dịch vụ đa ngành tại khu vực Bắc miền Trung cũng như các tỉnh lân cận. Cập nhật tại ngày 8/3/2018, vốn điều lệ của doanh nghiệp này ở mức 300 tỷ đồng, trong đó bà Phạm Thị Lam Giang (sinh năm 1980) nắm giữ 76%. Tại PGS, bà Giang đảm trách vai trò Tổng Giám đốc, còn Chủ tịch HĐQT là bà Phan Thị Xuân.

  
 

Có thể nói, Phạm Thị Lam Giang là trợ thủ đắc lực của bà Phan Thị Xuân, khi hiện tại hầu hết cổ phần tại các công ty thuộc hệ sinh thái PGS đều do doanh nhân 8X này trực tiếp đứng tên.

Đó là loạt doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xe máy, ô tô tại các tỉnh Bắc miền Trung như Công ty TNHH Ô tô Trung Đô (đại lý ô tô Ford tại Vinh), CTCP Hưng Phát (tháng 7/2010), Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Nhật Bách (2013), Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Gia Phạm (sở hữu đại lý Honda Ô tô tại Ninh Bình), Công ty TNHH Thương mại Ô tô Quảng Bình (sở hữu đại lý Honda Ô tô tại Quảng Bình), CTCP Xuất nhập khẩu Hoàng Long (sở hữu đại lý Ô tô Ford tại Quảng Bình), Công ty TNHH Dịch vụ thương mại và Tổng hợp An Phát (hệ thống HEAD Honda Hưng Phát 6 – 8 tại Quỳnh Lưu), Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Dịch vụ Tiến Phát (quản lý đại lý HEAD Honda Hưng Phát 7 tại Thanh Hóa), Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại PGS Quảng Trị (đại lý ô tô Toyota tại Quảng Trị), Công ty TNHH AMV hay Công ty TNHH Thương Mại Ô tô Thanh Hóa.

Hay là Công ty TNHH Thắng Lợi, pháp nhân từng được Nhadautu.vn đề cập vào giữa năm ngoái khi liên quan đến vụ việc tẩy xóa và sửa số liệu tại hồ sơ trình phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 công trình Showroom ôtô Honda Nghệ An Sông Lam, diện tích 2.250m2.

  
 

 

Công ty TNHH Thắng Lợi được thành lập vào đầu năm 2009, đăng ký hoạt động chính trong lĩnh vực buôn bán ô tô và xe động cơ khác. Tại ngày 30/5/2018, công ty này có số vốn điều lệ đạt 7,2 tỷ đồng, thành phần cổ đông gồm Nguyễn Văn Hùng (72,2%) và Huỳnh Thị Kim Liên (27,77%). Cuối năm 2018, toàn bộ cổ phần tại đây được chia đều cho hai cá nhân là Nguyễn Mạnh Tiến và Trần Tuấn Anh.

Đến tháng 3/2020, Thắng Lợi đánh dấu sự xuất hiện của CTCP Tổng Công ty PGS và bà Phạm Thị Lam Giang với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 95% và 5%. Bà Lam Giang đồng thời cũng trở thành Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật tại Thắng Lợi.

 <em>Trung tâm bán hàng và dịch vụ Mercedes-Benz tại cửa ngõ sân bay Vinh của Vinamotor Nghệ An. Ảnh: VĂN DŨNG</em>
<em>Trung tâm bán hàng và dịch vụ Mercedes-Benz tại cửa ngõ sân bay Vinh của Vinamotor Nghệ An. Ảnh: VĂN DŨNG</em>

 

Trong nhóm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực truyền thống của PGS không thể không kể đến Công ty TNHH Vinamotor Nghệ An, một trong những doanh nghiệp top đầu trong lĩnh vực bán buôn ô tô tại tỉnh Nghệ An, đồng thời là nhà phân phối ủy quyền đầu tiên của Mercedes-Benz tại khu vực Bắc Miền Trung kể từ tháng 9/2017. Được biết, sau khi trở thành nhà phân phối, Vinamotor Nghệ An đã đầu tư khoảng hơn 7 triệu USD để mở trung tâm bán hàng và dịch vụ Mercedes-Benz tại ngã tư sân bay Vinh. Đây là trung tâm có tổng diện tích hơn 11.000m2 đạt tiêu chuẩn quốc tế Autohaus 300 về cả chức năng bán hàng và hậu mãi của Mercedes-Benz.

  
 

Vinamotor Nghệ An ra đời vào đầu năm 2017 bởi hai cổ đông sáng lập là bà Phạm Thị Lam Giang (30%) và ông Dương Kiên Cường (70%). Ở lần thay đổi gần nhất (2/10/2020), vốn điều lệ công ty này ở mức 55 tỷ đồng, trong đó ông Dương Kiên Cường nắm giữ cổ phần chi phối lên đến 90%.

Dưới sự điều hành trực tiếp của bà Phạm Thị Lam Giang, PGS cũng thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với lĩnh vực nhà hàng và bất động sản.

Đại diện cho lĩnh vực nhà hàng, dịch vụ là Công ty TNHH Cổng Vàng Vinh được thành lập năm 2014. Công ty này hiện đang sở hữu 8 cửa hàng được nhượng quyền từ Golden Gate Group – Tập đoàn hàng đầu về chuỗi nhà hàng tại Việt Nam. Các thương hiệu nhà hàng bao gồm: GoGi Hous, Vuvuzela, Shogun, Hutong.

Trên trang chủ, Cổng Vàng Vinh giới thiệu là đơn vị “Tiên phong trong việc đưa các chuỗi nhà hàng sang trọng, đẳng cấp đến với thành phố Vinh và Thanh Hóa”, đồng thời góp phần làm “thay đổi hoàn toàn cục diện ngành F&B và thói quen thưởng thức ẩm thực của người dân địa phương. Hàng năm, công ty phục vụ và tiếp đón hơn 2 triệu lượt khách”.

  
 

 

Sau đấy đến năm 2015, PGS tiếp tục thành lập Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Gia Phạm – đơn vị vận hành Trung tâm giải trí City HUB, động thái này đánh dấu bước đi hoàn toàn mới của tổng công ty trong lĩnh vực bất động sản cho thuê. City HUB tọa lạc tại số 1 Đường Lê Hồng Phong, TP Vinh, Nghệ An, là một tổ hợp đa chức năng bao gồm trung tâm thương mại, nhà hàng, khu vui chơi, văn phòng cho thuê, hồ bơi, trung tâm thể dục thể thao, khu vực cảnh quan xanh, khu vui chơi dành cho trẻ em và bãi đậu xe ngầm.

 

Sở hữu hệ sinh thái đồ sộ hoạt động đa ngành và quy mô ngày một mở rộng, tuy nhiên điều bất ngờ là kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong hệ sinh thái PGS hoạt động không quá nổi bật. 

Như Gia Phạm và Cổng Vàng Vinh, mặc dù được quảng bá khá nhiều tuy nhiên kết quả kinh doanh của hai pháp nhân này lại không mấy khả quan khi lãi thuần giai đoạn 2017-2019 có dấu hiệu giảm nhanh. Với Cổng Vàng Vinh, năm 2017, lãi thuần doanh nghiệp này ở mức 2,48 tỷ đồng thì đến năm 2019 lại lỗ thuần 500 triệu đồng. Còn với Gia Phạm, nếu như năm 2018 công ty này lỗ thuần 15 triệu đồng thì đến năm 2019 con số lỗ này đã lên đến 1,5 tỷ đồng.

Hay với PGS (công ty mẹ) trong năm 2019 cũng đã báo lỗ thuần hơn 1,1 tỷ đồng, tổng tài sản ở mức 130,9 tỷ đồng.

Lỗ thuần cũng là bức tranh chung đối với những doanh nghiệp còn lại của hệ sinh thái PGS trong năm 2019, điển hình như Công ty TNHH Ô tô Trung Đô, mặc dù thu về hơn 727 tỷ đồng doanh thu thuần nhưng lại ghi nhận lỗ thuần gần 1 tỷ đồng, tương tự CTCP Hưng Phát cũng báo lỗ hơn 7,3 tỷ đồng.

Bên cạnh kết quả kinh doanh có phần giảm sút, dữ liệu Nhadautu.vn còn thể hiện, hai cá nhân Phan Thị Xuân và Phạm Thị Lam Giang cũng đã nhiều lần đăng ký đảm bảo tài sản tại các nhà băng cho các khoản vay của mình.

Cụ thể, vào tháng 6/2017, bà Lam Giang đã đăng ký đảm bảo toàn bộ vốn góp của mình tại Gia Phạm ở Ngân Hàng TMCP Công Thương Việt Nam Chi Nhánh Nghệ An. Đây cũng là nhà băng nhận đảm bảo tài sản là phần vốn góp của cá nhân này tại Ô tô Thanh Hóa (4/2016), PGS (vào tháng 5/2018), Ô tô Ninh Bình (11/2018), Toyota PGS Quảng Trị (ngày 6 và 15/1/2021), riêng với bà Phan Thị Xuân là toàn bộ vốn góp tại Toyota PGS Quảng Trị vào ngày 6/1/2021.

KHÁNH AN
Nguồn: