TIN MỚI!

Đọc nhanh >>

Hành trình vượt khó hướng tới sự hài lòng của người nộp thuế

Là một trong những ngành có nhiều “va chạm” với doanh nghiệp, người dân làm ăn kinh doanh, rất dễ bị “kêu” nhưng ngành thuế thời gian qua đã có nhiều nỗ lực, đặc biệt từ khi quyết liệt thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ là đẩy mạnh cải cách, hiện đại hoá, để nâng cao mức độ hài lòng của người nộp thuế.

Nhân dịp đầu năm 2021, ông Cao Anh Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã có trao đổi với Báo điện tử Chính phủ xung quanh những bước phát triển của ngành, thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách nhưng vẫn bảo đảm sự hài lòng của người nộp thuế.

Trong 5 năm qua, ngành thuế đã có sự chuyển biến mạnh mẽ hướng tới cải thiện mức độ hài lòng của người nộp thuế. Xin ông cho biết ngành thuế đã triển khai những bước đi gì để đạt mục tiêu?

Tổng Cục trưởng Cao Anh Tuấn: Để có chuyển biến rõ rệt trong cải cách thủ tục hành chính thuế (TTHC), nâng cao mức độ hài lòng của người nộp thuế (NNT). Trong 5 năm qua, ngành thuế đã tập trung quyết liệt thực hiện cải cách TTHC về thuế và luôn lấy doanh nghiệp (DN), NNT làm trung tâm, là động lực trong việc thực hiện cải cách. Có thể nói, cải cách TTHC là cả một quá trình và cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp: Cải cách về thể chế; tổ chức quản lý và không thể thiếu đó là việc đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế. Đây là giải pháp trọng tâm để thực hiện được những mục tiêu, yêu cầu tại Nghị quyết 36a/NQ-CP năm 2015 về Chính phủ điện tử và Chỉ thị 16/CT-TTg năm 2017 về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và các Nghị quyết số 19 (2014-2018; năm 2019, 2020 là NQ số 02) về cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ DN.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn. Ảnh:VGP/Huy Thắng.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn. Ảnh:VGP/Huy Thắng.

Chúng tôi đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu quản lý thuế hiện đại, phục vụ tốt nhất cho người dân, DN. Đến nay, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% Chi cục Thuế trực thuộc; 99,7% DN đang hoạt động, tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử; 99% DN đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử;  97% DN tham gia, thực hiện thủ tục hoàn thuế điện tử.

Việc triển khai những dịch vụ thuế điện tử đã giúp DN giảm thời gian đi lại nộp hồ sơ, nộp tiền thuế; thông tin khai, nộp thuế của DN được lưu trên hệ thống của cơ quan thuế có thể được tra cứu lại dễ dàng giúp giảm chi phí quản lý, DN cũng không phải cung cấp lại thông tin cho cơ quan quản lý đối với những hồ sơ điện tử đã nộp tới cơ quan thuế.

Ngành thuế cũng phối hợp với các cơ quan đăng ký kinh doanh, đăng ký đất đai, hải quan, cơ quan Công an, trao đổi thông tin giúp giảm thời gian xử lý TTHC, mang lại lợi ích thiết thực cho người nộp thuế. Bên cạnh đó, việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lý giúp cán bộ thuế xử lý thông tin ngày càng tốt hơn, tạo thuận lợi cho việc chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, từ đó thời gian giải quyết hồ sơ sẽ được giảm thiểu.

Có thể nói, việc triển khai các ứng dụng thuế điện tử đã tạo sự cách biệt về chi phí tuân thủ của thủ tục thuế với các nhóm thủ tục khác, và chứng minh rằng xu thế điện tử hóa việc thực hiện TTHC theo chỉ đạo của Chính phủ là hoàn toàn đúng đắn và thực sự đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ thuế. Điều này cũng đã được cộng đồng DN khẳng định thông qua kết quả đánh giá mức độ hài lòng của DN năm 2019 do VCCI công bố. Theo đó sự hài lòng của người nộp thuế với sự phục vụ của cơ quan thuế năm 2019 là 7,79 điểm (78%), tăng 3% so với năm 2016.

Với tốc độ hiện đại hoá nhanh, ngành thuế được coi là “mạnh tay” tinh gọn tổ chức trong giai đoạn 5 năm qua. Xin ông cho biết kết quả của việt tái cơ cấu này?

Tổng Cục trưởng Cao Anh Tuấn: Giai đoạn đầu từ năm 2015-2017, Tổng cục Thuế đã triển khai nghiên cứu sửa đổi tổ chức bộ máy ngành thuế; thực hiện rà soát, đánh giá những bất cập, tồn tại trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ…

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg ngày 25/9/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng cục Thuế thuộc Bộ Tài chính. Tổng cục Thuế đã trình Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành các quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan thuế các cấp trong toàn hệ thống thuế, bao gồm: Cục Thuế, Chi cục Thuế; các vụ, đơn vị và Văn phòng thuộc Tổng cục Thuế.

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng cục Thuế đã chủ động xây dựng kế hoạch và báo cáo Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 520/QĐ-BTC về việc sắp xếp, thành lập Chi cục Thuế khu vực.

Từ năm 2018 đến nay, tại Tổng cục Thuế đã giải thể 27 đầu mối cấp phòng. Tại cấp Chi cục Thuế đã giảm từ 711 Chi cục xuống còn 415 Chi cục, đạt 102% kế hoạch về số lượng và vượt trước 10 tháng theo Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg ngày 25/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 520/QĐ-BTC ngày 13/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Số đội thuế trong cả nước giảm từ 5.073 xuống còn 2.973 đội (giảm 2.100 đội thuế, tương đương giảm 2.100 đội trưởng). Do làm tốt công tác chuẩn bị nên sau sáp nhập, tư tưởng của cán bộ, công chức cơ bản đồng thuận, yên tâm công tác. Công tác kê khai, nộp thuế và giải quyết các vướng mắc về thuế được thực hiện thông suốt.

Tổng cục Thuế đã triển khai các biện pháp gì để đạt mục tiêu Chính phủ yêu cầu là nâng hạng chỉ số nộp thuế từ 7-10 bậc trong xếp hạng môi trường kinh doanh, thưa ông?

Tổng Cục trưởng Cao Anh Tuấn: Ngay từ đầu năm 2020, triển khai nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết số 02/NQ-CP, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã ban hành Kế hoạch hành động, trong đó đưa ra 13 nhiệm vụ và 21 sản phẩm đầu ra để đảm bảo mục tiêu nâng hạng chỉ số nộp thuế năm 2020 từ 7-10 bậc. Cụ thể về thể chế, chính sách, Tổng cục Thuế đã tập trung triển khai xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thuế. Ví dụ như dự thảo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14; Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội về khoanh nợ thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN; triển khai Đề án Mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu NSNN; dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 119/2018/NĐ-CP về hóa đơn điện tử…

Trong năm 2020, ngành thuế đã đẩy mạnh việc sử dụng hóa đơn điện tử, theo đó đã có 255 DN tham gia thí điểm sử dụng hệ thống hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế. Từ 1/1-30/11/2020, đã có 1.123.437 hóa đơn được cấp mã với tổng doanh thu là 31.931 tỷ đồng, số thuế trên hóa đơn đã cấp mã là hơn 2.820 tỷ đồng.

Về dịch vụ khai nộp thuế điện tử dành cho cá nhân, Tổng cục Thuế đã kết nối với 7 ngân hàng thương mại để cung cấp dịch vụ nộp thuế điện tử đối với cho thuê tài sản. Theo đó, cá nhân có thể sử dụng các hình thức nộp thuế điện tử qua các kênh thanh toán của ngân hàng như Internet banking, mobile banking; trong năm 2020, Tổng cục Thuế đã phối hợp với Cục CSGT, Cục Đăng kiểm và Văn phòng Chính phủ thực hiện truyền, nhận dữ liệu đăng kiểm, dữ liệu nộp điện tử lệ phí trước bạ ô tô, xe máy phục vụ người dân làm thủ tục liên thông đăng ký ô tô, xe máy trực tuyến.

Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhằm cung cấp những thông tin cải cách của cơ quan thuế Việt Nam từ ngày 1/1/2019 đến tháng 5/2020 để cập nhật vào báo cáo Doing Business2021. 

Trong Hội nghị đầu năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý, tình trạng nhũng nhiễu, “tiếng kêu của DN người dân vẫn còn”. Lãnh đạo Chính phủ đã đặt yêu cầu nghiên cứu cắt giảm hơn nữa thủ tục hành chính thuế, đẩy mạnh tích hợp dịch vụ nộp thuế lên Cổng dịch vụ công quốc gia, hỗ trợ người nộp thuế hiệu quả hơn nữa. Vậy kết quả năm vừa qua như thế nào, thưa ông?

Tổng Cục trưởng Cao Anh Tuấn: Để tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nghĩa vụ với NSNN, ngành thuế đã công khai TTHC dưới nhiều hình thức như: Đăng tải tại các trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, Cục Thuế các tỉnh, thành phố, các Chi cục Thuế; Đồng thời, niêm yết các TTHC thuộc cấp Tổng cục Thuế tại trụ sở Văn phòng Tổng cục Thuế; các TTHC được công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia và đăng tải trên website Tổng cục Thuế để người nộp thuế tra cứu. Tổng cục Thuế đã triển khai về hạ tầng kỹ thuật, hệ thống kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia và đã hoàn thành việc tích hợp 150 thủ tục thuế lên Cổng dịch vụ công Quốc gia tại địa chỉ: https://dichvucong.gov.vn/, về đích trước 6 tháng và vượt 61% so với kế hoạch được giao tại Quyết định số 411/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, nổi bật phải kể đến quá trình Tổng cục Thuế phối hợp với Cục Kiểm soát thủ tục hành chính và Bộ Công an hoàn thành triển khai thí điểm khai lệ phí trước bạ ô tô, xe máy; đồng thời hoàn thiện dịch vụ nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe máy để đáp ứng dịch vụ công thứ 1.000 của Cổng dịch vụ công quốc gia về đăng ký xe. Việc tích hợp các TTHC lên Cổng dịch vụ công quốc gia đã góp phần giúp người dân, DN dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ công của Tổng cục Thuế, đảm bảo việc thực hiện TTHC thuế được nhanh chóng, thuận tiện và minh bạch.

Ngoài ra, để tương tác hiệu quả hơn với người nộp thuế, Tổng cục Thuế đã thiết lập Hệ thống eTax gồm 479 kênh thông tin hỗ trợ người nộp thuế xuống tận các chi cục, hoạt động thường xuyên, liên tục và thông suốt 24/7. Các câu hỏi, vướng mắc của người nộp thuế sẽ được giải đáp kịp thời. Tính đến ngày 21/12, toàn hệ thống đã tiếp nhận hơn 1.200 câu hỏi, trong đó đã trả lời được hơn 900 câu hỏi.

Về rà soát, đánh giá, đơn giản hoá TTHC, Tổng cục Thuế đã thực thi việc cắt giảm, đơn giản hóa và đưa vào Luật Quản lý thuế sửa đổi đối với 2 điều kiện kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế; đồng thời, công khai trên website của Tổng cục Thuế và Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính…

Hiện nay, Tổng cục Thuế đang tiếp tục triển khai rà soát để thực hiện cắt giảm TTHC theo yêu cầu của Nghị quyết số 68/NQ-CP.

Về quản lý cán bộ, Tổng cục Thuế thường xuyên tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng trong cán bộ, công chức, viên chức; tuyên truyền phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng đến từng cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành; chấn chỉnh cán bộ, công chức thuế chấp hành quy định của pháp luật về phòng chống tham những, các quy định của ngành và nội quy, quy chế cơ quan.

Cơ quan thuế các cấp đã cập nhật thường xuyên và đăng tải đầy đủ, kịp thời các thông tin trong ngành, ngoài ngành, các văn bản pháp quy và văn bản hướng dẫn của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính... lên hệ thống website ngành thuế để người dân và DN giám sát việc thực thi công vụ của cơ quan thuế và công chức thuế; duy trì việc công bố công khai địa chỉ thư điện tử, số điện thoại tiếp nhận thông tin, phản ánh về hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, tiêu cực của công chức, viên chức thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý tạo sự đồng thuận và quan tâm ủng hộ của toàn xã hội, nhất là người nộp thuế.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhận xét, mọi việc không hề đơn giản nếu như năm 2006 chỉ số nộp thuế của Việt Nam trên bảng xếp hạng của World Bank là “đội sổ”, sau cả Lào, Campuchia thì đến nay, với tâm huyết thực hiện cho được từ khoá “cải cách”, ngành thuế đã “dũng cảm” đưa ra những tiêu chuẩn mới và quyết liệt thực hiện những mục tiêu rất cao đã đặt ra. Từ những nỗ lực bền bỉ thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại, đến các hình thức khác nhau nhằm lắng nghe ý kiến phản hồi từ cộng đồng DN.

“Tôi lần đầu được chứng kiến một đơn vị cùng ngồi trao đổi, phối hợp với đại diện cộng đồng DN để điều chỉnh từng điều, từng thông tư, dự thảo Luật. Đây rõ ràng là cách tiếp cận cách thức quản lý mới đáng trân trọng, giúp cho các DN thuận lợi trong việc chấp hành nghĩa vụ. Đó là một lý do cho đến nay chỉ số nộp thuế của Việt Nam không ngừng thăng hạng và được các tổ chức quốc tế ghi nhận”, ông Vũ Tiến Lộc nói.

 

Huy Thắng (thực hiện)
Nguồn: