TIN MỚI!

Đọc nhanh >>

Môi giới bất động sản lao đao, tìm cách thích nghi với đại dịch

Giữa vòng xoáy đại dịch, những nhân viên môi giới bất động sản cũng lao đao thay đổi phương thức làm việc để thích ứng với thời cuộc.

Cả tháng chưa rời khỏi phòng trọ 15m2 của mình, T.V. Chiến (nhân viên môi giới của một công ty bất động sản tại Bình Thạnh) ngậm ngùi: “Mùa này đi đâu, ai giao dịch bất động sản mà mua bán anh ơi? Cả tháng này tôi không ra khỏi nhà, ăn mì tôm cho qua bữa, tiêu vào tiền tiết kiệm cũng kha khá rồi.”  

“Lương cứng công ty trả tôi 3 triệu/ tháng thôi. Mà đó là khi chưa dịch. Bán được căn nào ăn hoa hồng căn đó, chứ lương cứng không sống sao nổi? Mùa dịch này, không có lương. Thực tế là vẫn có giao dịch. Nhưng là giao dịch online cầm chừng và cực hiếm khách hàng cọc giữ chỗ hay mua nhà như trước.” – Chiến trầm ngâm.

Trong khi đó, anh N.T. Khả môi giới bất động sản tự do tiết lộ, anh đã chuyển sang bán hàng online, một số mặt hàng thiết yếu để cầm cự qua mùa dịch.

“Khi đợt dịch thứ 4 chớm bùng phát, tôi đăng bán miếng đất lên zalo, ngay lập tức khách hàng vô hỏi mua nhiều lắm. Nhưng ngặt nỗi, dịch đến không dẫn khách đi xem trực tiếp được. Cũng may tôi cung cấp giấy tờ pháp lý đầy đủ nên có khách quen tin tưởng đặt cọc trước. Nhưng có lẽ, qua dịch tôi phaỉ chịu lỗ, giảm giá cho họ thôi.” – Khả cho biết.

Theo Khả, Anh bỏ công việc văn phòng để dấn thân làm môi giới bất động sản tự do đã nhiều năm. Tận dụng những mối quan hệ của mình, cũng như chịu khó bỏ sức đi lùng sục, thu nhập môi giới trung gian cho nhiều người bán nhà đất tìm được khách hàng. Mỗi căn nhà bán được  hoa hồng từ 1 – 5% tùy mức độ thân thiết với chủ. Tháng nào làm ăn được, anh có thể “bỏ túi” khoảng 10 – 100 triệu đồng.

Khó khăn "bủa vây" nghề môi giới cũng như các công ty BĐS khi đại dịch liên tục kéo dài.
Khó khăn "bủa vây" nghề môi giới cũng như các công ty BĐS khi đại dịch liên tục kéo dài.

Được dán “mác” thu nhập khủng, không ít môi giới lâm vào tình cảnh bi đát, dở khóc dở cười mùa dịch. Để có thể cầm cự, bán hàng, họ buộc phải chuyển hình thức kinh doanh tạm thời. Có thể là bán bất động sản online, hoặc một món hàng gì khác họ xoay xở được.

“Tôi được công ty hỗ trợ chuyển đổi số, bán hàng online bằng phần mềm, là vẫn may mắn hơn nhiều đồng nghiệp mất việc thời gian này. Tôi cố gắng tận dụng từng chút, học thêm công nghệ, không chỉ là quảng cáo bất động sản lên mạng xã hội thôi đâu, còn phải làm sao để khách thuận tiện chốt đơn, thanh toán online nữa kia. Rồi còn mở ra hàng loạt chương trình khuyến mãi, chiết khấu… Thực tế thì không nhiều khách hàng rành rẽ về cái này nên lượng giao dịch chỉ khoảng 30% so với ngày thường” – Chiến chia sẻ.

Theo Giám đốc một công ty Bất động sản, hoạt động kinh doanh của đơn vị giảm 85% so với thời điểm trước dịch. Lượng nhân viên môi giới cũng giảm 40%. “Cũng giống các đơn vị môi giới bất động sản khác, công ty chúng tôi chủ yếu bán hàng online, bằng cách tổ chức Zoom, Onmeeting event cuối tuần thay vì event truyền thống như trước đây. Tuy vậy, hiệu quả bán hàng online chỉ 30% so với truyền thống” - ông Phát đánh giá.

Chuyên gia kinh tế - Tiến sỹ Lê Bá Chí Nhân cho rằng, việc các công ty môi giới bất động sản thích ứng trước dịch Covid-19 chuyển chiến lược bán hàng qua kênh online là phù hợp với điều kiện thực tiễn. Tuy nhiên, tính hiệu quả chắc chắn không cao, vì đây là hình thức mới, người dân chưa thích ứng. Ngoài ra, bất động sản có giá trị lớn, giao dịch online rất khó để người dân tin tưởng. Chưa kể, hiện nay một số chủ đầu tư khi đăng tải online hình ảnh của dự án bất động sản đã được chỉnh sửa, không đúng thực tế, dễ dẫn tới tranh chấp khiếu nại về sau.

Nguồn: