TIN MỚI!

Đọc nhanh >>

Ngành điện đầu tư 3.200 tỷ đồng cho thành phố Thủ Đức

Thành phố Thủ Đức có nhiều công trình lưới điện thông minh, ngầm hóa từ nay đến 2025 để trở thành đô thị số phát triển bậc nhất, theo lãnh đạo EVNHCMC.

Trao đổi với VnExpress, ông Phạm Quốc Bảo, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC) cho biết, thành phố Thủ Đức là thành phố sáng tạo ở TP HCM. Do vậy, EVNHCMC nhanh chóng hoàn thiện lưới điện thông minh và thực hiện chuyển đổi số toàn diện cho hệ thống điện tại thành phố mới này, giai đoạn 2021-2015.

- Cụ thể, EVNHCMC sẽ làm gì để đưa thành phố Thủ Đức trở thành cực tăng trưởng lớn cho TP HCM?

- Với mục tiêu ngành điện đi trước một bước để tạo động lực cho sự phát triển của TP HCM nói chung và thành phố Thủ Đức nói riêng, ngành điện thành phố đã đặt kế hoạch từ nay đến năm 2025, phấn đấu đạt mức phát triển ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực.

Trong đó, chỉ tiêu cung cấp điện cho người dân thành phố phải đạt 4.000 kWh/người/năm, gấp 1,3 lần hiện nay. Riêng thành phố Thủ Đức đạt đến 6.000 kWh/người/năm, gấp 1,5 lần hiện nay. Đối với một khách hàng, số lần mất điện bình quân trong năm dưới 0,3 lần và thời gian bị mất điện bình quân ít hơn 30 phút một năm.

Chất lượng dịch vụ về điện tiếp tục được nâng cao. Đến nay, khu vực quận Thủ Đức (cũ) đã hoành thành gắn công tơ đo xa, trong quý III/2021 hoàn thành trên toàn thành phố Thủ Đức. Khách hàng có thể giám sát, theo dõi toàn bộ quá trình sử dụng điện thông qua app EVNHCMC CSKH.

EVNHCMC tiếp tục cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng, góp phần thu hút các doanh nghiệp đầu tư, đảm bảo 100% công trình đầu tư qua lưới trung áp 22 kV cấp điện cho khách hàng được ngành điện thực hiện không quá năm ngày.

Một khoản ngân sách 3.200 tỷ đồng đã được duyệt cho giai đoạn 2021-2025 để số hóa ngành điện, phát triển lưới điện chất lượng cho thành phố Thủ Đức.

- 3.200 tỷ đồng được sử dụng như thế nào để phát triển lưới điện cho thành phố Thủ Đức?

- Con số 3.200 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ gần 15% tổng vốn đầu tư phát triển lưới điện của TP HCM trong giai đoạn 2021-2025) để xây dựng mới một trạm 220 kV và sáu trạm 110 kV (với tổng công suất tăng thêm 1.400 MVA), phát triển mới 250 km lưới điện trung thế. Ngân sách này cũng để phát triển 500 km lưới điện hạ thế, cải tạo và gắn mới 500 trạm biến áp phân phối với tổng công suất 400 MVA.

Ngành điện đang thực hiện 27 công trình ngầm hóa lưới kết hợp dây thông tin ở thành phố Thủ Đức, nhằm nâng tỷ lệ ngầm hóa lưới điện trung thế hiện nay từ dưới 50% lên 75-80% vào năm 2025 và đạt 100% năm 2030.

Ngành điện tập trung mọi nguồn lực để xây dựng và đưa vào vận hành lưới điện thông minh, ngầm hóa toàn bộ lưới điện, hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật đô thị để thành phố Thủ Đức xứng tầm với một đô thị thông minh, sáng tạo tương tác cao, là động lực thúc đẩy sự phát triển chung của TP HCM.

- Lộ trình ngầm hóa, xây dựng lưới điện thông minh, hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật đô thị ra sao?

- Ở TP HCM đã có 100% trạm 110 kV điều khiển xa, không người trực; 100% tuyến dây trung thế điều khiển từ xa, trong đó 240 tuyến tự động hóa hoàn toàn.

Riêng đối với thành phố Thủ Đức, năm 2020 có 100% các tuyến dây trung thế được điều khiển từ xa (Thủ Đức: 38 tuyến dây; Thủ Thiêm: 48 tuyến dây) và sẽ vận hành tự động hoàn toàn trong năm 2021. Tỷ lệ thao tác từ xa thành công trên 99%. Tỷ lệ chuyển tải khi có sự cố, giảm thời gian mất điện của khách hàng dưới 5 phút đạt 81%.

Cùng với việc xây dựng lưới điện thông minh, tổng công ty đang đề xuất Ủy ban nhân dân TP HCM duyệt bổ sung kế hoạch ngầm hóa với mục tiêu xây dựng lưới điện thông minh và ngầm hóa toàn bộ lưới điện và dây thông tin trên các tuyến đường, trục đường của thành phố Thủ Đức. Điều này nhằm góp phần vào việc đẩy mạnh công cuộc hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật đô thị của thành phố Thủ Đức, xứng tầm với một đô thị thông minh, sáng tạo, tương tác cao.

Ngành điện đầu tư 3.200 tỷ đồng cho thành phố Thủ Đức
Ngành điện đầu tư 3.200 tỷ đồng cho thành phố Thủ Đức

- Những thách thức trong việc triển khai lưới điện thông minh và thực hiện ngầm hóa toàn bộ lưới điện?

- Quỹ đất dành cho các công trình điện thường chưa được quan tâm đúng mức, nên trong buổi làm việc với Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức tháng 4 năm nay, tổng công ty thống nhất sẽ phối hợp để đồng bộ quy hoạch phát triển điện lực với quy hoạch thành phố Thủ Đức.

Chúng tôi cũng gặp nhiều trở ngại về thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng. Vì vậy, tổng công ty tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, tuyên truyền vận động để tạo sự đồng thuận của người dân, giúp đẩy nhanh tiến độ các công trình điện, phục vụ sự phát triển chung của tdhành phố.

- EVNHCMC làm thế nào để giảm số lần mất điện như đã cam kết?

- Giai đoạn 2021-2025, tổng công ty tiếp tục đầu tư lắp đặt các cấu phần tự động trên lưới để tự động hóa toàn diện vận hành hệ thống. Năm nay sẽ tự động hóa toàn bộ tuyến dây trung thế của Thủ Đức. Việc ngầm hóa giúp giảm sự cố so với lưới nổi.

Chúng tôi đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý vận hành. Hệ thống đo đếm từ xa giúp chuẩn đoán, phát hiện sớm các nguy cơ để xử lý, ngăn ngừa sự cố gây mất điện.

Giai đoạn 2021-2025, tổng công ty đầu tư thêm các thiết bị tự động cho các tuyến dây trung thế, cùng các giải pháp đóng kết mạch vòng, thi công không cắt điện, nhằm nâng cao khả năng chuyển tải linh hoạt, giảm thiểu phạm vi và số khách hàng bị ảnh hưởng do sự cố mất điện.

- EVNHCMC sẽ giảm thiểu và tiến tới xóa bỏ những phiền hà đối với người dân thế nào?

- Chúng tôi tiếp tục công khai, minh bạch các quy định, thủ tục liên quan đến dịch vụ điện; chuyển đổi số, tạo ra các kênh tương tác, giao dịch điện tử (dịch vụ trực tuyến, ứng dụng...) để người dân hiểu rõ hơn về hoạt động điện lực. Ngành điện tăng cường tuyên truyền quảng bá, giúp thay đổi thói quen người dùng, ví dụ như thanh toán điện tử thay tiền mặt, giao dịch trực tuyến thay vì đến trụ sở điện lực. Mục tiêu đến năm 2022, 100% khách hàng biết đến các kênh trực tuyến của điện lực trên website và ứng dụng EVNHCMC CSKH.

Tổng công ty đang nghiên cứu xây dựng hệ sinh thái chăm sóc khách hàng, đồng thời ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để dự báo nhu cầu sử dụng điện, phân tích xu hướng ý kiến khách hàng đối với các hoạt động, dịch vụ cụ thể để đáp ứng nhu cầu ngày càng tốt hơn.

- Tham gia ứng cứ đại biểu Hội đồng nhân dân TP HCM nhiệm kỳ 2021-2026, với trách nhiệm của mình, ông sẽ làm gì cho người dân nơi đây?

- Tôi cam kết tiếp tục phối hợp tốt với địa phương để chăm lo cho các đối tượng chính sách, người nghèo, công nhân, người ở trọ được hưởng đúng chính sách giá điện theo quy định.

Tất cả những gì mà cử tri thành phố Thủ Đức nói riêng, cử tri TP HCM nói chung chưa hài lòng và phản ánh về các dịch vụ cung cấp điện, đều sẽ được ngành điện tiếp thu và giải quyết nhanh nhất, đầy đủ nhất để cử tri yên tâm.

 

Minh Tú
Nguồn: