TIN MỚI!

Đọc nhanh >>

Ngoài việc ngân sách thất thu, Tập đoàn GFS còn 'tai tiếng' ở nhiều dự án bất động sản

Không chỉ Five Star West Lake, Tập đoàn GFS có dính “tai tiếng” liên quan đến các vấn đề pháp lý, sai phạm xây dựng tại các dự án khác như Five Star Mỹ Đình, Five Star Hà Đông...

Nhà nước thất thu ngân sách

Như Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin, Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận chỉ ra kẻ hỡ gây thất thoát ngân sách Nhà nước tại dự án Tổ hợp công trình văn phòng làm việc, dịch vụ và căn hộ cao cấp để bán tại 167 Thụy Khuê (tức số 162 Hoàng Hoa Thám, tên thương mại là Five Star West Lake), phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ do Công ty Cổ phần Quan hệ quốc tế Đầu tư sản xuất (Tập đoàn GFS) làm chủ đầu tư.

Theo đó, Five Star West Lake cùng với một số dự án khác được các doanh nghiệp không tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư (tự thỏa thuận theo hình thức hỗ trợ) nên số tiền thu được cho ngân sách thấp, chưa sát với giá thị trường.

Theo cơ quan thanh tra, việc pháp luật không có quy định xác định lợi thế thương mại đối với giá trị quyền sử dụng đất cũng như việc đấu giá khi lựa chọn nhà đầu tư liên doanh, liên kết để chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án, đây là một trong những sơ hở chính sách gây thất thoát ngân sách Nhà nước trong quá trình chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện dự án đất ở những vị trí đắc địa.

Theo tìm hiểu của phóng viên, khu đất 167 Thụy Khuê trước đây do Công ty TNHH MTV Giầy Thụy Khuê thuê đất với mục đích sản xuất. Năm 2014, công ty cổ phần hóa trở thành Công ty Cổ phần Giầy Thụy Khuê.

Sau khi hợp tác liên doanh, khu đất 167 Thụy Khuê được giao cho Công ty Cổ phần Quan hệ quốc tế Đầu tư sản xuất làm chủ đầu tư triển khai dự án Five Star West Lake, với quy mô 14 tầng nổi, 3 tầng hầm, có 32 căn để bán và 38 căn hộ dịch vụ.

Phối cảnh dự án Tổ hợp công trình văn phòng làm việc, dịch vụ và căn hộ cao cấp để bán tại 167 Thụy Khuê (tức số 162 đường Hoàng Hoa Thám, tên thương mại là Five Star West Lake)
Phối cảnh dự án Tổ hợp công trình văn phòng làm việc, dịch vụ và căn hộ cao cấp để bán tại 167 Thụy Khuê (tức số 162 đường Hoàng Hoa Thám, tên thương mại là Five Star West Lake)

Trong một báo cáo của Bộ Tài chính gửi Chính phủ năm 2017 cho thấy, khu đất 167 Thụy Khuê của Công ty Cổ phần Quan hệ quốc tế Đầu tư sản xuất (đất cũ của Công ty Cổ phần Giầy Thụy Khuê) đã không tổ chức đấu giá theo quy định, trong danh sách 60 trường hợp doanh nghiệp Nhà nước được cơ quan nhà Nước có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Được biết, dự án Five Star West Lake được Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng tại văn bản số 292/QHKT-P1 ngày 4/9/2008, được UBND TP cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 19/11/2009, điều chỉnh ngày 31/12/2014 (thời gian thực hiện dự án từ năm 2015 đến năm 2017), giao đất tại Quyết định số 4202/QĐ-UBND ngày 9/9/2011.

Trao đổi với phóng viên, luật sư Phan Thị Lam Hồng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án bất động sản đều phải thực hiện theo quy định tại Luật Đất đai năm 2003, 2013 và các văn bản dưới luật.

Theo đó, trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê thì Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai 2003.

Hoặc theo khoản 1 Điều 118 Luật Đất đai 2013, Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất là các trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê hoặc cho thuê mua; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê; sử dụng quỹ đất để tạo vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; sử dụng đất thương mại, dịch vụ...

Ông Phạm Thành Công - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn GFS (Ảnh: gfs.com.vn)
Ông Phạm Thành Công - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn GFS (Ảnh: gfs.com.vn)

"Việc tổ chức đấu giá không chỉ tránh được nguy cơ thất thoát ngân sách Nhà nước mà còn công khai, minh bạch", luật sư Hồng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo luật sư Hồng, đó là với những trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất. Còn trường hợp doanh nghiệp hợp tác, liên doanh liên kết để chuyển mục đích sử dụng đất đầu tư dự án kinh doanh thì chưa có quy định cụ thể.

"Cũng chính vì chưa có quy định cụ thể nên là kẽ hở cho nhóm lợi ích, có thể gây thất thoát ngân sách. Tôi cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm có các văn bản quy định chi tiết, cụ thể để không xảy ra tiền lệ cho các doanh nghiệp, tổ chức tạo nhóm lợi ích", vị luật sư phân tích.

Nhiều dự án dính “lùm xùm”

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại Hà Nội, ngoài Five Star West Lake, Tập đoàn GFS đang là chủ đầu tư của nhiều dự án như: Five Star Garden (quận Thanh Xuân), Five Star Residence (quận Cầu Giấy), Five Star Trường Chinh (quận Đống Đa), dự án Five Star Hà Đông (quận Hà Đông) và Five Star Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm).

Trong đó, dự án Five Star Hà Đông (tên đầy đủ là Tổ hợp thương mại văn phòng và nhà ở tại số 4 Chu Văn An, Hà Đông) dường như có tính chất giống như dự án Five Star West Lake khi đây là khu đất của doanh nghiệp Nhà nước hợp tác, liên kết với Tập đoàn GFS để triển khai.

Phối cảnh dự án Tổ hợp thương mại văn phòng và nhà ở tại số 4 Chu Văn An, Hà Đông, Hà Nội (Five Star Hà Đông)
Phối cảnh dự án Tổ hợp thương mại văn phòng và nhà ở tại số 4 Chu Văn An, Hà Đông, Hà Nội (Five Star Hà Đông)

Được biết, Five Star Hà Đông là dự án liên danh giữa Công ty TNHH MTV Máy kéo công nghiệp (TAMAC) và Công ty Cổ phần Quan hệ quốc tế Đầu tư sản xuất (Tập đoàn GFS) thông qua hợp đồng nguyên tắc từ năm 2010, hai bên đã thành lập một pháp nhân chung là Công ty TNHH Năm Sao Hà Nội.

Trả lời trên báo chí, đại diện TAMAC cho biết, toàn bộ pháp lý và pháp triển dự án Five Star Hà Đông đều do Tập đoàn GFS triển khai. Còn TAMAC chỉ có vai trò góp vốn theo giá trị tài sản gắn liền trên đất, như nhà cửa, công xưởng tại đây.

Cũng theo vị này, khu đất là Nhà nước cho thuê nên không được định giá vào tài sản doanh nghiệp. Sau khi được TP Hà Nội chấp nhận thì bàn giao việc cho thuê đất này cho công ty liên doanh và phải làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Như vậy, có thể thấy rằng, nếu dự án này được triển khai giao đất không qua đấu giá, thì nguy cơ thất thoát ngân sách Nhà nước tương tự như dự án Five Star West Lake.

Dự án Five Star Hà Đông được quảng bá với quy mô bao gồm 2 tòa tháp cao 33 tầng, trong đó có 2 tầng hầm thông suốt và 3 tầng thương mại, văn phòng, dịch vụ... tổng mức đầu tư là 2.500 tỷ đồng. Hiện tại dự án vẫn đang nằm trên giấy, vì vướng nhiều thủ tục về pháp lý nên chưa thể triển khai.

Quyết định xử phạt Công ty Cổ phần Quan hệ Quốc tế Đầu tư sản xuất (Tập đoàn GFS) của UBND quận Nam Từ Liêm
Quyết định xử phạt Công ty Cổ phần Quan hệ Quốc tế Đầu tư sản xuất (Tập đoàn GFS) của UBND quận Nam Từ Liêm

Còn tại dự án Five Star Mỹ Đình, từ tháng 9/2017, người dân phản ánh hàng chục căn hộ liền kề ở dự án đã tổ chức sửa chữa, cơi nới không đúng với thiết kế ban đầu. Cụ thể, có tới 20/53 công trình tự ý thi công thêm phần tum, thậm chí cho xây thêm tầng sai so với thiết kế đã được phê duyệt.

Trước tình trạng vi phạm trật tự nghiêm trọng tại dự án này, ngày 4/12/2017, UBND quận Nam Từ Liêm đã ban hành Quyết định số 6273/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng số tiền 90.000.000 đồng đối với chủ đầu tư. Đồng thời yêu cầu chủ đầu tư phải tự tháo dỡ toàn bộ những hạng mục công trình xây dựng sai so với với hồ sơ thỏa thuận quy hoạch kiến trúc (trong thời hạn 10 ngày), nếu không chấp hành sẽ bị cưỡng chế.

Theo tìm hiểu, hiện nay, pháp nhân trung tâm của Tập đoàn GFS là Công ty Cổ phần Quan hệ quốc tế Đầu tư sản xuất, có trụ sở chính tại số 508 đường Trường Chinh, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Ông Phạm Thành Công là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật của Tập đoàn GFS.

Về tình hình tài chính kinh doanh, trong giai đoạn 2017-2019, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty Cổ phần Quan hệ quốc tế Đầu tư sản xuất lần lượt ở mức 631 tỷ đồng, 508 tỷ đồng và 463 tỷ đồng, mặc dù doanh thu cao song giá vốn chiếm gần hết nên lợi nhuận gộp chỉ đạt lần lượt 7,7 tỷ đồng, 5,3 tỷ đồng và 3,6 tỷ đồng qua các năm.

Bù lại, công ty ghi nhận khoản doanh thu tài chính khá cao, nhưng cũng sụt giảm qua từng năm. Cụ thể, năm 2017 doanh thu tài chính đạt 378,8 tỷ đồng, sang năm 2018 đạt 127,6 tỷ đồng và năm 2019 ở mức 127,8 tỷ đồng.

Kết quả, lợi nhuận của Công ty Cổ phần Quan hệ quốc tế Đầu tư sản xuất cũng giảm mạnh từ 328,6 tỷ đồng xuống 68 tỷ đồng rồi chỉ còn 10,4 tỷ đồng trong giai đoạn 2017-2019.

Đáng chú ý, không chỉ kinh doanh sụt giảm mà công ty còn gặp khó khăn về dòng tiền. Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, trong giai đoạn 2017-2019, dòng tiền kinh doanh của công ty chỉ dương vào năm 2017, trong khi năm 2018 âm 278 tỷ đồng và năm 2019 âm 51 tỷ đồng.

Về cơ cấu tài sản, trong giai đoạn 2017-2019, tổng tài sản của Công ty Cổ phần Quan hệ quốc tế Đầu tư sản xuất tăng từ 1.825 tỷ đồng lên 2.353 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ phải trả của công ty trong cùng giai đoạn cũng trên tăng mạnh từ 1.283 tỷ đồng lên 1.707 tỷ đồng; trong khi đó vốn chủ sở hữu chỉ ở mức từ 541 tỷ đồng tăng lên 646 tỷ đồng.

Văn Thành Nhân

Nguồn: