TIN MỚI!

Đọc nhanh >>

'Vỡ mộng' khi mua nhà cũ trung tâm với giá rẻ

Tâm lý sở hữu nhà tại trung tâm thành phố với giá vừa tiền, nhiều người chấp nhận mua lại những ngôi nhà cũ với kỳ vọng có thể sửa sang như mới. Tuy nhiên, có không ít rủi ro mà họ không lường hết được.

Nhiều người tìm mua nhà cũ nát

Giá nhà tại Hà Nội liên tục leo thang, trong khi nhu cầu sở hữu một ngôi nhà của người dân ngày một lớn. Đặc biệt, tâm lý chung của nhiều người là có thể mua được nhà ở càng gần vị trí trung tâm và có giá vừa túi tiền. Theo đó, trên nhiều trang mạng xuất hiện thông tin rao bán nhà cũ trong nội thành với giá rẻ không ngờ. Để có nhà, nhiều gia đình cũng đã chọn giải pháp mua những căn nhà “cũ nát” để có nơi an cư lạc nghiệp.

Theo anh Hoàng Tùng Lâm, mội giới tại sàn giao dịch Bắc Từ Liêm chia sẻ, nhiều người có tài chính mỏng, khi tìm thấy nhà hợp lý, họ sẵn sàng đặt cọc ngay. Những người này khi xem nhà đã xác định rõ, đầu tiên là chỗ ở gần nơi làm việc, học tập của con cái. Thứ hai là căn nhà sẽ có những lỗi mà họ phải chấp nhận như nhà đã cũ, thiếu sáng, thiết kế bí và nằm ở trong ngõ ngách khá sâu, chỉ có thể đi lại bằng xe máy.

“Những ngôi nhà có các đặc điểm trên thường có giá rẻ hơn nhiều so với những ngôi nhà mặt ngõ lớn, mặt đường lớn tới 30 - 40%. Dù biết là bất cập nhưng có không ít người vẫn chấp nhận mua vì họ kỳ vọng mua xong có thể sửa xây mới”.

Theo anh Lâm, cũng có không ít những nhà đầu tư mua các bất động sản cũ nát này, sau đó cải tạo sơn sửa lại để đầu tư cho thuê hoặc bán lại. Mức lợi nhuận nhà đầu tư thu về có thể tăng 20 - 30%. Đơn cử như anh Lâm đã mua căn nhà cũ 1,2 tỷ tại khu vực Thái Hà. Sau khi cải tạo như mới, giá anh bán ra là 1,6 tỷ đồng.

Những ngôi nhà giá rẻ trung tâm thành phố thường nằm sâu trong ngách. Nguồn: NVCC
Những ngôi nhà giá rẻ trung tâm thành phố thường nằm sâu trong ngách. Nguồn: NVCC

Rủi ro mà người mua phải gánh

Mua nhà cũ có lẽ cũng không phải là may mắn với nhiều người. Anh Đỗ Hoà Bình quê ở Thái Bình sinh sống khu vực Trần Xuân Soạn chia sẻ: “cách đây không lâu tôi mua một căn nhà 3 tầng có sổ đỏ diện tích 37m2, giá chỉ 1,6 tỷ đồng. Ô tô đỗ cách nhà 20m, nhưng khoảng cách ngắn ngủi đó xe máy cũng không vào được mà phải đi bộ. Gia đình cũng biết yếu điểm này nhưng vẫn chấp nhận mua.

Tuy nhiên, nhà trong ngõ nhỏ, lại rất bất tiện trong việc vận chuyển đồ và sửa chữa. Thậm chí, trong ngõ còn có không ít hộ gia đình có dân trí không cao nên nhiều khi gây mất trật tự trong xóm, chưa kể những lần mất trộm vặt”.

"Vỡ mộng" khi mua nhà cũ trung tâm với giá rẻ - Ảnh 1
"Vỡ mộng" khi mua nhà cũ trung tâm với giá rẻ - Ảnh 1

Còn anh Trần Viết Huy (Đối Cấn, Hà Nội) cho biết: “Do tham rẻ nên tôi cũng đã mua nhà cũ chung sổ đỏ với một vài hàng xóm trên cùng lô đất. Tuy nhiên, sau một thời gian chán cảnh ở mặt đất, leo cầu thang, gia đình có ý định bán nhà thì gặp nhiều rắc rối và rất khó tìm khách mua”.

Anh Viết Huy cho biết, năm 2017, anh mua căn nhà cũ 36m2, 4 tầng có giá vừa tròn 1 tỷ. Thời điểm đó, sổ đỏ miếng đất dùng chung với 3 ngôi nhà khác nên mới có giá như vậy. Khi có ý định bán nhà, anh phải chạy khắp nơi để làm sổ đỏ riêng vừa mất thời gian lại tốn kém chi phí. Đặc biệt, trong lúc làm thủ tục, anh Huy mới biết, 6m2 đất căn nhà của anh là do chủ đầu tư ban đầu cơi nới và lấn chiếm.

"Vỡ mộng" khi mua nhà cũ trung tâm với giá rẻ - Ảnh 2
"Vỡ mộng" khi mua nhà cũ trung tâm với giá rẻ - Ảnh 2

Cũng mua một căn nhà cũ trên đường Võ Chí Công, chị Ngô Lan chia sẻ, gia đình mua căn nhà 18m2, 4 tầng với giá 1,5 tỷ. Căn nhà đã qua tay 2 đời chủ nhưng nhìn vẫn còn rất mới. Tuy nhiên, sau khi gia đình chị dọn đến ở được khoảng gần 4 tháng thì phát hiện đường dẫn nước của gia đình luôn không ổn định. Sau khi đã nhiều lần mời chủ nhà cũ và thợ sửa ống nước đến xử lý nhưng được một thời gian đâu vẫn hoàn đấy. Bất tiện trong sinh hoạt, gia đình chị Lan vẫn “tặc lưỡi” ở tạm, khi nào có điều kiện sẽ đổi nhà sau.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng: “Khi mua nhà cũ, người mua phải tìm hiểu thật kỹ các thông tin vị trí, pháp lý hồ sơ và chất lượng của ngôi nhà để tránh tiền mất, tật mang. Đặc biệt, với các căn nhà tập thể cũ, tình trạng cơi nới diễn ra nhiều nên rất khó cho việc sang tên đổi chủ sau này”.

Nguồn: