TIN MỚI!

Đọc nhanh >>

Bệnh viện Đa khoa Đại An – Thanh Hóa sử dụng máy nội soi nghi nhập lậu?

Bệnh viện Đa khoa Đại An (Thiệu Hóa, Thanh Hóa) liệu có đang sử dụng thiết bị máy nội soi nghi là dòng máy “bãi” hàng thải, hết date không được cấp phép?

Nghi vấn máy nội soi lậu xuất hiện ở Bệnh viện Đa khoa Đại An?

Bệnh viện Đa khoa Đại An (có địa chỉ tại xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa) là một trong những bệnh viện tư nhân lớn của tỉnh tỉnh Thanh Hóa hàng ngày thu hút nhiều lượt người dân đến thăm, khám bệnh.

Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần đầu tư Đại An, người đại diện pháp luật là ông Lê Đình Hoàng. Bệnh viện Đa khoa Đại An đi vào hoạt động tháng 10/2018, và từng vướng phải lùm xùm khai trương trước cấp phép thẩm định sau được báo chí phản ánh.

Bệnh viện Đa khoa Đại An (có địa chỉ tại xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa)
Bệnh viện Đa khoa Đại An (có địa chỉ tại xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa)

Trên trang website cũng như quảng cáo trên mạng xã hội, Bệnh viện Đa khoa Đại An luôn tự giới thiệu có đội ngũ y bác sĩ tay nghề cao, trang thiết bị y tế,  máy móc hiện đại. Tuy nhiên, trên thực tế ghi nhận cho thấy, tại Bệnh viện Đa khoa Đại An đang có sự nhập nhèm về máy móc, thiết bị, điển hình là 2 chiếc máy nội soi tiêu hóa.

Qua ghi nhận cho thấy, tại phòng nội soi tiêu hóa của Bệnh viện Đa khoa Đại An có 2 chiếc máy nội soi tiêu hóa nghi là dòng máy “bãi” hàng thải ở nước ngoài đã dừng sản xuất từ rất lâu, có loại dừng sản xuất đã gần 10 năm.

Dòng máy nội soi tiêu hóa này từng được đại diện Vụ Trang thiết bị công trình y tế (Bộ Y tế) xác nhận với PV là không cấp phép cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào nhập khẩu vào Việt Nam cũng như các cơ sở y tế, bệnh viện sử dụng máy này là vi phạm pháp luật. Các chuyên gia thiết bị y tế khẳng định đây là dòng máy bãi, máy thải ở nước ngoài.

Thế nhưng thật kỳ lạ 2 chiếc máy này lại xuất hiện tại phòng nội soi tiêu hóa của Bệnh viện Đa khoa Đại An (mới khai trương và hoạt động được 3 năm - PV) và được các bác sĩ sử dụng để nội soi dạ dày, đại tràng cho bệnh nhân. Đáng chú ý hơn nữa là một trong những thiết bị này được trang bị từ khi bệnh viện đi vào hoạt động.

Phòng nội soi và thiết bị nội soi tiêu hóa tại Bệnh viện Đa khoa Đại An. (Ảnh cắt từ clip).
Phòng nội soi và thiết bị nội soi tiêu hóa tại Bệnh viện Đa khoa Đại An. (Ảnh cắt từ clip).

Vậy câu hỏi đặt ra là 2 chiếc máy Bệnh viện Đa khoa Đại An sử dụng có hồ sơ giấy tờ hay không? Đơn vị nào cũng cấp cho bệnh viện? Cơ quan chức năng đã cấp phép, thẩm định 2 chiếc máy này chưa? Tại sao một thiết bị y tế không được cấp phép như Vụ Trang thiết bị công trình y tế (Bộ Y tế) nói lại ngang nhiên xuất hiện ở một bệnh viện lớn, hàng ngày thăm khám bảo hiểm cho bệnh nhân mà không bị phát hiện, xử lý?

Bệnh viện im lặng?

Để làm rõ việc tại sao 2 chiếc máy nội soi tiêu hóa nghi nhập lậu lại xuất hiện ở Bệnh viện Đa khoa Đại An, ngày 5/10, PV đã liên hệ đặt lịch làm việc với bệnh viện này.

Tuy nhiên, sau một tuần đặt lịch làm việc, phía Bệnh viện Đa khoa Đại An vẫn “im hơi lặng tiếng” trước những nghi vấn phóng viên nêu ra.

Trang thiết bị y tế, máy móc phục vụ thăm khám bệnh là một trong những vấn đề đươc dư luận đặc biệt quan tâm. Bên cạnh tình trạng “thổi giá” máy móc, thiết bị tại các bệnh viện, cơ sở y tế công thì còn có tình trạng nhập nhèm về máy móc, trang thiết bị tại các bệnh viện, phòng khám tư nhân.

Trên thực tế đã có nhiều trường hợp oái oăm khi bệnh nhân chuyển tuyến, cơ sở y tế này không công nhận kết quả lâm sàng của cơ sở kia vì sử dụng thiết bị y tế không hợp chuẩn, nhất là các kết quá xét nghiệm, nội soi tiêu hóa…. Dẫn đến việc bệnh nhân phải làm đi làm lại nhiều chẩn đoán, hình ảnh nội soi tiêu hóa, xét nghiệm …giống nhau ở các đơn vị khác nhau gây nên tình trạng lãng phí và tốn kém và ảnh hưởng sức khỏe và chất lượng khám, chữa bệnh cho bệnh nhân.

Không ít bệnh viện, phòng khám vì lợi nhuận mà “quên” hoặc cố tình không đặt vấn đề y đức lên hàng đầu, thay vào đó, họ sẵn sàng mua các thiết bị y tế trôi nổi, rẻ mạt, không được cấp phép để đưa vào thăm khám.

Hoặc móc túi quỹ bảo hiểm y tế, lừa dối người bệnh, lừa dối cơ quan chức năng bằng cách nộp hồ sơ phê duyệt máy móc một đằng nhưng đưa thiết bị máy móc vào thăm khám một nẻo rồi khi bị phát hiện thì viện cớ là máy hỏng phải đi sửa chữa, thiết bị “hàng lậu” này chỉ là đi mượn, thuê…

Cũng ít ai biết rằng, hàng năm mỗi bệnh viện tư nhân đang được nhà nước chi ngân sách hàng tỷ đồng để thực hiện thăm khám bảo hiểm y tế. Do đó, việc sử dụng một thiết bị y tế cũ kỹ, nhập lậu vào thăm khám cho bệnh nhân là một vấn đề cần được làm rõ, xử lý nghiêm để đảm bảo quyền lợi người bệnh.

Sức Khỏe Cộng Đồng đang tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng để làm rõ vấn đề về việc mua bán và sử dụng thiết bị y tế nói trên. Nếu có việc sự dụng thiết bị y tế nhập lậu như vậy, ai sẽ chịu trách nhiệm khi tiếp tay cho vấn đề buôn bán và sử dụng hàng lậu, điều đặc biệt hàng lậu ở đây lại là thiết bị y tế?

Lam Giang
Nguồn: