TIN MỚI!

Đọc nhanh >>

Hải Phòng: Buông lỏng quản lý hay 'bảo kê' cho sai phạm?

Nhiều công trình khách sạn “khủng” xây dựng không phép, trái phép tại Hải Phòng được các cơ quan chức năng "ưu ái" bỏ qua...

Nhiều khách sạn không phép, “tiền trảm, hậu tấu”

Ngày 17/6/2020, UBND phường Đông Khê (quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng) tiến hành kiểm tra công trình xây dựng tổ hợp khách sạn, văn phòng cho thuê tại thửa 15,16 Lô 22 đường Lê Hồng Phong do Công ty CP Đầu tư Dịch vụ Du lịch Quang Minh là chủ đầu tư.

Tại thời điểm kiểm tra, UBND phường Đông Khê đã phát hiện công trình này đang xây dựng tầng thứ 5, nhưng không có Giấy phép xây dựng. Ngay sau đó, UBND phường đã lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu đình chỉ tuyệt đối các hoạt động xây dựng.

Ngày 19/6/2020, UBND quận Ngô Quyền, ban hành Quyết định số 946/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Đầu tư Dịch vụ Du lịch Quang Minh, số tiền 40.000.000 đồng; yêu cầu, trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu chủ đầu tư phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng. Hết thời hạn này, nếu không xuất trình được giấy phép xây dựng thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình vi phạm.

Người dân Hải Phòng thán phục tài luồn lách, qua mặt các cơ quan chức năng của ông chủ công trình này
Người dân Hải Phòng thán phục tài luồn lách, qua mặt các cơ quan chức năng của ông chủ công trình này

Tuy nhiên, bất chấp các yêu cầu trên, chủ đầu tư công trình vẫn cố tình cho công nhân tiếp tục xây dựng thêm 12 tầng nữa (gồm cả tum), thách thức các cơ quan chức năng và công luận!

Theo lý giải của Doanh nghiệp “Ngày 9/2/2018, Công ty đã được Sở Xây dựng Hải Phòng cấp Giấy phép xây dựng công trình 11 tầng + tum thang tại thửa số 14 Lô 22B Lê Hồng Phong. Cuối năm 2019, Doanh nghiệp lại tiếp tục mua thêm thửa số 15,16 và làm thủ tục xin gộp 3 thửa (14, 15 và 16) lại để xây dựng thành 01 tòa nhà.

Ngày 25/7/2019, UBND thành phố Hải Phòng đã có Quyết định số 1709/QĐ-UBND, phê duyệt điều chỉnh cục bộ 768m2; ghép và điều chỉnh công năng 3 thửa trong Đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị mới Ngã 5 – Sân bay Cát Bi từ đất ở, tầng cao từ 6 – 11 tầng sang đất ở kết hợp thương mại dịch vụ, tầng cao tối đa 15 tầng.

Chủ đầu tư đã tiến hành làm một số thủ tục như: thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật để xin cấp Giấy phép xây dựng, đến nay công trình gộp thửa 15, 16 vẫn chưa được cấp Giấy phép xây dựng”.

Ngày 18/1/2012, Sở Xây dựng Hải Phòng cấp Giấy phép xây dựng số 07/QPXD cho ông Nguyễn Đức Thắng và bà Nguyễn Thị Bích Hồng được xây dựng công trình khách sạn Zen Hotel & Residences tại Tổ dân phố Phú Hải (phường Anh Dũng, quận Dương Kinh) với quy mô 6 tầng.

Công trình Zen Hotel & Residences xây dựng vượt 2 tầng này đã đi vào hoạt động, mặc cho việc các cơ quan chức năng có hợp thức hóa giấy phép hay không
Công trình Zen Hotel & Residences xây dựng vượt 2 tầng này đã đi vào hoạt động, mặc cho việc các cơ quan chức năng có hợp thức hóa giấy phép hay không

Tuy nhiên, sau đó chủ đầu tư ngang nhiên xây dựng công trình thành 7 tầng nên đã bị cơ quan chức năng phát hiện và yêu cầu đình chỉ thi công. Ngày 22/8/2018, UBND quận Dương Kinh đã ban hành quyết định xử phạt ông Thắng số tiền 15.000.000 đồng?

Tại quyết định xử phạt, UBND quận Dương Kinh yêu cầu trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm, ông Thắng phải làm thủ tục đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền điều chỉnh giấy phép xây dựng.

Và trong ngày 22/8/2018, Thanh tra Sở Xây dựng Hải Phòng lại phát hiện công trình này đang xây dựng đến tầng thứ 8? Thanh tra Sở Xây dựng Hải Phòng đề nghị chủ đầu tư ngừng thi công tuyệt đối và xin điều chỉnh Giấy phép xây dựng.

Ông Vũ Quốc Bình – Chủ tịch UBND phường Anh Dũng xác nhận: “Chủ công trình đã làm thủ tục xin điều chỉnh giấy phép nhưng đến nay (tháng 7/2021), vẫn chưa được cấp có thẩm quyền đồng ý. Chúng tôi đã lập biên bản, bảo cáo UBND quận và thành phố, nhưng họ vẫn xây dựng. Việc cưỡng chế lúc này là vượt thẩm quyền của cơ sở…”.

Như vậy các cơ quan quản lý đô thị từ phường, đến quận, thậm trí là Sở “bật đèn xanh”, nên chủ đầu tư ký biên bản vi phạm chưa ráo mực lại lập tức cố tình “được” xây dựng trái phép, sai phép vượt tầng.

Buông lỏng quản lý hay "bảo kê" cho vi phạm?

Theo quy định, khi tiến hành khởi công xây dựng công trình chủ đầu tư phải báo cáo, trình chính quyền địa phương các thủ tục đầu tư xây dựng công trình. Các cán bộ quản lý đô thị từ cấp phường, quận và thanh tra xây dựng chuyên ngành phải thường xuyên kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn…

Tuy nhiên, Công ty CP Đầu tư Dịch vụ Du lịch Quang Minh khởi công công trình tổ hợp khách sạn tại thửa 15, 16 đến khi xây dựng xong phần thô 5 tầng thì UBND phường mới đến lập biên bản vi phạm hành chính. Đến nay, đã xây dựng tới 17 tầng nhưng chưa có giấy phép xây dựng.

Tài liệu liên quan đến hai công trình vi phạm
Tài liệu liên quan đến hai công trình vi phạm

Dư luận người dân so sánh 02 công trình vi phạm có quy mô rất lớn có mức phạt mâu thuẫn nhau? Cả 2 công trình vi phạm đều cố tình xây dựng, nhưng không bị ngăn chặn, xử phạt tái phạm theo quy định, không hiểu lực lượng Thanh tra chuyên ngành Xây dựng đã làm gì?

Do nghiệp vụ non kém của cán bộ từ phường, quận đến Sở Xây dựng, hay là buông lỏng quản lý trật tự xây dựng, bao che, bảo kê cho vi phạm?

Theo người dân phản ánh, tại Hải Phòng các công trình xây dựng của người dân dù nhỏ nếu xây dựng sai phép, trái phép là lập tức bị các lực lượng thanh tra xử lý rất nghiêm. Nhưng các công trình “khủng” xây dựng không phép, trái phép của Doanh nghiệp như trên thì quả “bóng tránh nhiệm” cứ được “dưới đá lên, trên đá xuống”... và cuối cùng là không một ai bị kiểm điểm, xử lý kỷ luật!

Làm việc với PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông Bùi Quốc Đạt, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng; ông Lã Đức Thuận, Đội trưởng Đội hành chính Thanh tra Sở cho biết: “Khi phát hiện các công trình này xây dựng không phép, sai phép chúng tôi đã kết hợp với UBND các quận có văn bản đôn đốc, yêu cầu UBND quận Ngô Quyền và Dương Kinh có biện pháp ngăn chặn tuyệt đối, kiên quyết xử lý vi phạm và báo cáo về Sở Xây dựng, để Sở báo cáo thành phố… Việc UBND thành phố và Sở Xây dựng chỉ đạo giải quyết như thế nào thì chúng tôi chưa nhận được văn bản chỉ đạo.”

PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô làm việc với Thanh tra xây dựng- Sở Xây dựng Hải Phòng
PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô làm việc với Thanh tra xây dựng- Sở Xây dựng Hải Phòng

Theo Điều 165 Luật xây dựng sửa đổi, bổ sung năm 2020, “Sở Xây dựng có trách nhiệm tổ chức thực hiện thanh tra chuyên ngành về hoạt động đầu tư xây dựng gồm: Thanh tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đầu tư xây dựng; Phát hiện ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật xây dựng”

Tuy nhiên, tại 2 công trình vi phạm “khủng” này, chúng tôi chưa thấy có văn bản nào yêu cầu xử phạt tái phạm khi chủ đầu tư vẫn cố tình tái phạm, đồng thời xử lý buộc cưỡng chế, tháo dỡ các công trình vi phạm của Thanh tra Xây dựng và Sở Xây dựng, báo cáo Thành phố theo tinh thần chỉ đạo tại Văn bản số 3461/VB-KT ngày 01/10/2019 của Văn phòng UBND thành phố: “Yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng chỉ đạo Thanh tra Xây dựng thường xuyên kiểm tra, rà soát các trường hợp xây dựng tại các tuyến phố chính trên địa bàn thành phố …, định kỳ hàng tuần Báo cáo UBND thành phố về tình hình xây dựng tại các tuyến phố nêu trên (báo cáo rõ bao nhiêu công trình xây dựng; công trình có phép, không phép, việc kiểm tra xử lý). Trường hợp phát hiện báo cáo không đúng, không đầy đủ, không kịp thời. Giám đốc Sở Xây dựng và Chánh thanh tra Sở Xây dựng chịu trách nhiệm trước UBND thành phố”.

Văn bản chỉ đạo của UBND thành phố đã rõ, phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Có như vậy, họ mới nâng cao trách nhiệm trong việc giám sát "lính" của mình nhằm hạn chế tình trạng "con voi chịu lọt lỗ kim" trong xây dựng không phép và sai phép.

Hoàng Phong - Quang Chiến

Nguồn: