TIN MỚI!

Đọc nhanh >>

TP. Hồ Chí Minh: Bệnh viện quận 2 mua thiết bị y tế cao hơn nơi khác gần 4 tỷ đồng!?

Với hệ thống CT Scanner 128 lát cắt, có bệnh viện chỉ mua với giá 19 tỷ đồng nhưng Bệnh viện quận 2 phải bỏ ra gần 23 tỷ đồng. Theo ông Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện quận 2, có nhiều yếu tố quyết định đến giá thành mỗi thiết bị.

 Bệnh viện quận 2 bị phản ánh mua thiết bị cao hơn gần 4 tỷ đồng so với bệnh viện khác.

Mua cao hơn gần 4 tỷ đồng

Gần đây, Tạp chí Kinh tế nông thôn nhận được phản ánh của bạn đọc về việc, Bệnh viện quận 2 (TP. Hồ Chí Minh) mua thiết bị y tế cao hơn so với thiết bị cùng chủng loại của bệnh viện khác gần 4 tỷ đồng.

Cụ thể, ngày 23/12/2020, ông Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện quận 2 ký Quyết định số 1125/QĐ-BV phê duyệt cho Công ty CP Công nghệ MVM trúng gói thầu “ Cung cấp lắp đặt hệ thống chụp cắt lớp CT 128 lát cắt” với giá trúng thầu là 22.980.000.000 đồng.

Được biết, Hệ thống CT - Scanner 128 lát cắt mà Bệnh viện quận 2 mua của Công ty MVM có model: SOMATOM go.Top, xuất xứ từ Đức. Tư vấn đấu thầu là Công ty TNHHH tư vấn xây dựng Nhất Nguyên; thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu là Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng Thịnh Phát An.

Theo phản ánh, vào đúng thời điểm tháng 12/2020, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới - Quảng Bình (Bộ Y tế) có mua thiết bị Hệ thống CT Scanner 128 lát cắt (SOMATOM go.Top) lại chỉ có giá 19.124.000.000 đồng. Tất nhiên, ngoài máy chính CT - Scanner 128 lát cắt, hệ thống của BV Việt Nam – Cu Ba còn bao gồm hàng trăm hạng mục khác như: phần cứng hệ thống, khoang máy, bóng X-quang, bộ phát cao thế, đầu thu, bàn bệnh nhân, trạm điều khiển, hệ thống tái tạo hình ảnh, phần mềm hệ thống – tiêu chuẩn - công nghệ, máy bơm tiêm thuốc cản quang hai nòng (Mỹ), màn hình điều khiển, Máy in phim khô X- quang, bộ lưu điện, điều hòa, cửa phòng…

 

 Quyết định phê duyệt cho Công ty CP Công nghệ MVM trúng gói thầu “Cung cấp lắp đặt hệ thống chụp cắt lớp CT 128 lát cắt” với giá trúng thầu là 22.980.000.000 đồng.

Như vậy, nếu so sánh về model, cấu hình, năm sản xuất, xuất xứ… thì Bệnh viện quận 2 (TP. Hồ Chí Minh) đang mua hệ thống CT Scanner 128 lát cắt có giá cao hơn Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba gần 4 tỷ đồng.

Dường như, Công ty MVM cũng có mối quan hệ khá “thân thiết” với Bệnh viện quận 2, khi trước đó vài tháng, doanh nghiệp này trúng “lớn” gói thầu cung cấp thiết bị cho bệnh viện.

Cụ thể, tháng 2/2020, Công ty CP Công nghệ MVM trúng gói thầu trị giá 7.100.000.000 đồng (tiết kiệm 0 đồng so với giá gói thầu) có tên “Thiết bị” (Máy siêu âm màu xách tay, ống nội soi khí phế quản di dộng (dùng pin), máy Laser S-CO2, máy X-Quang nha Sensor kỹ thuật số…) cho Bệnh viện quận 2. Ở gói thầu này, một số thiết bị cũng có “biểu hiện” giá cao hơn nơi khác.

Ví dụ, máy siêu âm màu xách tay (có model: Logiq V2, xuất xứ Trung Quốc), vào tháng 9/2020, Bệnh viện quận 11 mua thiết bị này với giá 420.000.000 đồng nhưng Bệnh viện quận 2 mua của Công ty MVM với giá 775.000.000 đồng;

Hay như thiết bị “Ống kính phẫu thuật nội soi ổ bụng, sản khoa 0 độ” (model: WA53000A, xuất xứ Đức), tháng 3/2021, Trung tâm Y tế quận Sơn Trà (Đà Nẵng) mua thiết bị này với giá 128.951.000 đồng thì Bệnh viện quận 2 mua của MVM với giá 150 triệu đồng.

Hay, máy X-Quang (model: CS 2200, xuất xứ Pháp), tháng 12/2019, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí  - Quảng Ninh (Bộ Y tế) mua với giá 173,5 triệu đồng/chiếc nhưng ở đây, Bệnh viện quận 2 mua của Công ty MVM với giá 290.000.000 đồng/chiếc…

Tất nhiên, giá thiết bị cao hay thấp còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như: linh kiện đi kèm, chế độ hậu mãi sau bán hàng, đào tạo, vận hành… nên chưa thể khẳng định có hay không việc “thổi giá”, “nâng khống” thiết bị y tế ở Bệnh viện quận 2.

Công ty CP Công nghệ MVM thành lập tháng 2/2010, hiện có địa chỉ tại 750/6 Nguyễn Kiệm, phường 04, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thiện Thành đang làm đại diện pháp luật của MVM.

Giám đốc Bệnh viện quận 2 lý giải

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế nông thôn về việc CT 128 lát cắt cao hơn gần 4 tỷ đồng so với một máy khác cùng chủng loại mà đơn vị khác mua, ông Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện quận 2, cho biết: Tôi đang cho anh em làm nội dung trả lời chính thức. Tới đây, bệnh viện làm lễ đổi tên bệnh viện, sẽ giới thiệu các trang thiết bị hiện đại đưa vào sử dụng phục vụ bệnh nhân.

Tuy nhiên, cùng một thiết bị có giá khác nhau thì phải hiểu bản chất của thiết bị đó có những tính năng kỹ thuật gì, có phần mềm gì, bảo hành bao nhiêu năm... Ví dụ, cùng một chủng loại, cùng nước sản xuất nhưng máy móc thiết bị hiện đại thì cấu hình bên trong mới quan trọng. Thứ hai là phần mềm. Ví dụ, máy người ta mua chỉ có 10 phần mềm mình mua lên tới 28 phần mềm thì nó lại khác. Hay việc bảo hành, bảo trì thường chỉ 1 - 2 năm nhưng ở Bệnh viện quận 2 lên tới 7 năm.

Mỗi máy, 1 năm bảo hành giá khác với 2 năm, 3 năm... Riêng ở Bệnh viện quận 2, mua bóng đèn và đầu đèn bảo hành tới 7 năm, mỗi bóng đèn trung bình sau số ca nhất định nó sẽ đứt, mỗi bóng đèn như vậy lên tới cả tỷ đồng. Do vậy, mình mua gói bảo hành, bảo trì dài như vậy thì giá có khác.

Một máy nói lên giá cả thì nó một dãy số tùy theo cơ sở y tế chọn cấu hình, tính năng kỹ thuật và số gói phần mềm... Tuy nhiên, hiện nay trên cổng thông tin về giá của ngành y tế có những máy CT 128 lát cắt lên tới 28 tỉ cũng có. Quan trọng là khi mình xây dựng cấu hình để đấu thầu thì giá đó có phù hợp hay không? Do vậy, nếu chỉ lấy số tiền ra so sánh đơn vị mua giá này, đơn vị kia mua giá khác là chưa phù hợp thực tế.

Xoay quanh một số thiết bị, loại máy khác Bệnh viện quận 2 mua giá cao hơn một số máy khác cùng chủng loại, ông Khanh cho biết: Việc này cũng dễ hiểu, quan trọng là kèm theo vấn đề chăm sóc, bảo hành, bảo dưỡng có sự khác nhau. Thứ hai, máy của bệnh viện là Hãng G.E của Mỹ. Thứ ba, máy ở nơi khác có 1 đầu dò, nhưng mình có tới 3 đầu rò, mỗi đầu dò có một giá trị khác nhau. Tương tự cho những cái khác. Ví dụ, bệnh viện xây dựng một gói thiết bị gồm nhiều thiết bị và thẩm định giá, đấu thầu rộng rãi gồm 2 túi hồ sơ (túi hồ sơ kỹ thuật và túi hồ sơ giá). Nhưng tổng gói thiết bị bệnh viện mua dưới định mức hoặc bằng định mức mà bệnh viên xây dựng là đạt yêu cầu.

Gần đây, ở một số địa phương đang xảy ra tình trạng một số bệnh viện móc nối với đơn vị thẩm định, đơn vị dự thầu nâng giá trang thiết bị lên gấp nhiều lần so với giá trị thực tế để trục lợi. Việc làm này không chỉ gây thất thoát ngân sách của Nhà nước mà còn đẩy giá khám - chữa bệnh lên cao. Và thực tế đã có lãnh đạo bệnh viện vướng vào vòng lao lý vì "thổi giá" thiết bị y tế.

Thiết nghĩ, cơ quan chức năng TP. Hồ Chí Minh cần sớm vào cuộc thanh - kiểm tra, làm rõ việc chấp hành pháp luật trong đấu thầu thiết bị y tế ở Bệnh viện quận 2 và Công ty CP Công nghệ MVM; đồng thời công khai kết quả thanh - kiểm tra, tránh sự nghi ngờ trong dư luận.

 Hoàng Văn

Nguồn: