TIN MỚI!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu phân bón tháng đầu năm tăng kỷ lục 682%

Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu trong tháng đầu năm 2022 đều duy trì được tăng trưởng xuất khẩu dương, đặc biệt là một số mặt hàng đạt mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm trước, riêng phân bón các loại tăng 682% so với cùng kỳ năm trước.

7 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, trong tháng 1/2022 có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 63,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 4 tỷ USD, chiếm 13,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 34,4% so với cùng kỳ năm trước; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 3,5 tỷ USD, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm trước; hàng dệt may và may mặt đạt 3,3 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước.

Về các nhóm hàng, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 2.67 tỷ USD, giảm 3.35% so với tháng 12/2021 nhưng tăng 21.4% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm 9.2% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong nhóm này, ngoại trừ gạo và sắn và các sản phẩm từ sắn có kim ngạch giảm so với cùng kỳ năm trước (lần lượt giảm 4.3% và 27.5%), các mặt hàng khác đều có kim ngạch tăng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: xuất khẩu thủy sản ước đạt 870 triệu USD, tăng 42.9%; cà phê đạt 395 triệu USD, tăng 40.9%; hạt tiêu đạt 71 triệu, tăng 47.3%; nhân điều đạt 296 triệu USD, tăng 9.6%.

Xuất khẩu phân bón tháng đầu năm tăng kỷ lục 682%. Ảnh: Internet
Xuất khẩu phân bón tháng đầu năm tăng kỷ lục 682%. Ảnh: Internet

Kim ngạch xuất khẩu nhóm nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 251 triệu USD, giảm 25% so với tháng 12/2021 nhưng tăng 3.7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, so với tháng 1/2021, kim ngạch xuất khẩu than giảm 95%; xuất khẩu dầu thô giảm 27.5% nhưng xuất khẩu xăng dầu các loại tăng 69% và xuất khẩu quặng và khoáng sản khác tăng 64.7%.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 24.95 tỷ USD, giảm 17% so với tháng 12/2021 và chỉ tăng 0.2% so với cùng kỳ, chiếm 86% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Tình hình chung của xuất khẩu tháng đầu năm 2022, là dịp sát kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022 nên số ngày làm việc thực tế của các công nhân này trong tháng 1/2022 chỉ khoảng 15 ngày.  Do đó, hoạt động xuất khẩu hàng hóa trong tháng tăng không đáng kể khi kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2022 ước tính đạt 29 tỷ USD, giảm 16,2% so với tháng trước và chỉ tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 8,2 tỷ USD giảm 16,9% so với tháng trước nhưng tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 20,8 tỷ USD, giảm 3,9% so với tháng trước và giảm 4,2% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu phân bón tăng 682% so với cùng kỳ

Bộ Công Thương cho biết, sau hai năm ứng phó với dịch bệnh COVID-19 nên các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đã dần thích nghi và phát triển.

Do vậy, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu trong tháng đầu năm 2022 đều duy trì được tăng trưởng xuất khẩu dương, đặc biệt là một số mặt hàng đạt mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, phân bón các loại tăng 682%; hóa chất tăng 98,6%; thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 72,8%; Chất dẻo nguyên liệu tăng 57%; Sản phẩm mây, tre, cói và thảm tăng 61%; sắt thép các loại tăng 43,6%

Trong đó, điện thoại và linh kiện tiếp tục là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 4 tỷ USD, chiếm 13,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 34,4% so với cùng kỳ năm trước.

Về thị trường trong tháng 1/2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 8,95 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 5,15 tỷ USD, tăng 11,8%; thị trường EU đạt 3,6 tỷ USD, giảm 1,3%; thị trường ASEAN đạt 2,4 tỷ USD, giảm 0,9%; Nhật Bản đạt 1,65 tỷ USD, giảm 5%; Hàn Quốc đạt 1,56 tỷ USD, giảm 15%.

Ước tính tháng 1/2022 nhập siêu 0,5 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu gần 2 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 1,3 tỷ USD.

Với ngành phân bón, xuất khẩu tăng cao, doanh nghiệp được lợi, song năm 2021 cũng có nhiều ý kiến tranh cãi về việc có nên hạn chế xuất khẩu một số mặt hàng phân bón trong nước để bình ổn thị trường, hỗ trợ nông dân.

Mạnh Quân
Nguồn: