TIN MỚI!

Đọc nhanh >>

Đấu thầu trang thiết bị y tế: Nhìn từ những gói thầu của Công ty Anh Khoa

Thời gian gần đây, xuất hiện những bất cập khi đấu thầu trang thiết bị y tế tại nhiều tỉnh thành, nhiều bệnh viện lớn. Phải chăng do hành lang pháp lý hay nguyên nhân do đâu?

Theo một số chuyên gia, vòng tròn khép kín trong mua sắm, đấu thầu TTBYT là vấn đề đã tồn tại nhiều năm nay. Trở lại thời gian gần đây đã bộc lộ sâu sắc hơn bất cập này.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bài thầu thiếu tính cạnh tranh, có thể là do trình độ của tư vấn yếu, không đưa ra được cấu hình có thể thu hút nhiều nhà thầu tham gia; hay như do là tư vấn bắt tay với chủ đầu tư/bên mời thầu cố tình đưa ra tiêu chí hạn chế cạnh tranh…

Có thể nhận thấy nhiều với những gói thầu trang thiết bị y tế nhiều công ty đã làm rất tốt, tuy nhiên cũng có nhiều gói thầu trang thiết bị y tế cũng khiến người dân băn khoăn về tính cạnh tranh và tỷ lệ tiết kiệm chưa cao.

Nhìn từ những gói thầu trang thiết bị y tế của Công ty TNHH Trang thiết bị Y tế Anh Khoa, thống kê của một website chuyên về đấu thầu cho thấy, Công ty TNHH Trang thiết bị Y tế Anh Khoa đã tham gia 186 gói thầu thì trúng 167 gói. Gói thầu mới nhất mà Anh Khoa vừa trúng tại tỉnh Khánh Hòa, Đồng Nai… cũng đang khiến nhiều người quan tâm về giá cả.

Theo Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty TNHH Trang thiết bị Y tế Anh Khoa thành lập từ tháng 2/1999, địa chỉ đăng ký tại: 883 Đường 3/2, Phường 7, Quận 11 (TP.HCM).

Mới đây, ngày 09/11/2022, ông Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa đã ký Quyết định số 950/QĐ-SYT để phê duyệt cho Công ty TNHH Trang thiết bị Y tế Anh Khoa trúng gói thầu: “Thiết bị y tế 3 (Thiết bị phẫu thuật: Bộ soi cổ tử cung, nội soi mềm đường tiêu hóa có sinh thiết, Hệ thống phẫu thuật nội soi ổ bụng, đèn mổ…)” trị giá lên đến 20.986.000.000 đồng.

Gói thầu được thực hiện dưới hình thức qua mạng, công khai và có giá trị rất lớn (gần 21 tỷ đồng), chỉ có một mình Công ty Anh Khoa có tên trong danh sách nhà thầu và được xếp hạng thứ nhất, trúng thầu.

Ngoài ra, một số trang thiết bị y tế tại gói thầu có giá chênh lệch so với nhiều địa phương khác, như:

03 đèn mổ 1 bóng di động Model: Polaris 100/200 (Drägerwerk AG & Co. KgaA/ Đức), có giá trúng 350.000.000 đồng/cái. Trong khi đó, vào tháng 12/2021, Sở Y tế Trà Vinh mua thiết bị này với giá 270.000.000 đồng/cái.

Hệ thống phẫu thuật nội soi ổ bụng, tiết niệu (Model: OTV-S200, CH-S200-XZ-EA, UHI-4, ESG-400, ...;Hãng sản xuất máy chính: Olympus; Stema; Hermann/ xuất xứ: Nhật, Đức, Mỹ) có giá trúng: 4.550.000.000 đồng. Tuy nhiên, vào tháng 12/2020, Trường ĐH Y Hà Nội mua thiết bị trên (có model máy chính tương đương) nhưng chỉ với giá 2.190.000.000 đồng; cũng chính Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa vào ngày 18/5/2021 cũng mua thiết bị này (có model trùng khớp) của Công ty Anh Khoa chỉ với giá 3.220.000.000 đồng/hệ thống…

Không chỉ ở Khánh Hòa, giá thiết bị mà Công ty Anh Khoa bán cho Bệnh viện Thống Nhất (Đồng Nai) ở gói thầu gần 2 triệu USD (hơn 46 tỷ đồng). Cụ thể, ngày 21/6/2021, ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai) ký Quyết định số 104/QĐ-BVTN để phê duyệt cho Công ty TNHH Trang thiết bị Y tế Anh Khoa trúng “Gói thầu số 14 (thiết bị): Thiết bị y tế, chi tiết thiết bị theo Quyết định đính kèm” có giá trúng thầu là 46.355.475.000 đồng.

Trước đó, vào ngày 08/6/2021, Giám đốc Phạm Văn Dũng đã ký Quyết định số 90/QĐ-BVTN để phê duyệt cho Công ty Anh Khoa là nhà thầu “duy nhất” lọt vào danh sách đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật.

Không chỉ vậy, tại gói thầu trên, nhiều thiết bị có giá trúng thầu khá cao như:

Hệ thống Xquang kỹ thuật số (DR) Model: GXR-68S; Hãng sản xuất: DRGEM CORPORATION/ Hàn Quốc có giá lên tới 3.900.000.000 đồng;

Hệ thống chụp X-quang toàn hàm sọ mặt 3D (Model: CS 8100SC 3D/Trophy – Pháp; Chủ sở hữu: Carestream Dental LLC – Mỹ) có giá mua lên 2.245.000.000 đồng;

Hệ thống nội soi tán sỏi mật tụy ngược dòng (ERCP) (Model: CV-190, CLV-190.../Olympus medical systems corp – Nhật, xuất xứ: Nhật, Đức, Ý, Mỹ, Trung Quốc, Việt Nam) có giá lên tới 3.830.000.000 đồng;

Hệ thống nội soi phế quản (Model: CV-170, BF-Q170, MB-155, New Hospivac 350, LMD- 2110MD; Hãng sản xuất/Chủ sở hữu: Olympus medical systems corp – Nhật) có giá trúng thầu là 1.790.000.000 đồng;

Máy sinh hóa tự động (Model: DxC 700 AU; Hãng sản xuất: Beckman Coulter/ Nhật) cũng có giá lên đến 5.000.000.000 đồng. Đối với hệ thống tương tự như thế này (xét nghiệm sinh hóa tự động ≥800 test/h, AU480/ Nhật Bản/ Beckman Coulter), gần đây, các địa phương như: Trung tâm Y tế huyện Bình Liêu, Bệnh viện Tâm thần TW II, Bệnh viện E (bao gồm Trung tâm Tim mạch), Viện Y học Biển, Trường Đại học kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng… cũng chỉ mua với giá trên dưới 2,4 tỷ đồng;

Đặc biệt, hệ thống máy giải trình tự và phân tích đoạn DNA (Model: Ion GeneStudio S5 System (Ion S5)/ Life Technologies / OneLambda Inc– Mỹ ; Qiagen GmbH – Đức, xuất xứ: Đức, Singapore) cũng có giá lên đến 9.390.000.000 đồng. Trong khi đó, khảo sát trên cổng đấu thầu của Bộ Y tế, các hệ thống có chức năng gần tương tự như thế này ở các địa phương mua chỉ vào khoảng từ 3-4 tỷ đồng.Tuy nhiên, giá thiết bị y tế cao thấp, khác nhau ở từng địa phương, đơn vị còn phụ thuộc vào linh phụ kiện theo kèm, chức năng, phần mềm, quản lý, đào tạo, thời gian bảo trì, bảo hành… nên chưa thể khẳng định là có sự “thổi giá, nâng khống” ở đây.

Trả lời trên báo chí, ông Nguyễn Minh Lợi, Vụ trưởng Trang thiết bị và Công trình y tế cho hay việc bổ sung các dự án phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xã hội hóa vào phạm vi điều chỉnh tại Nghị định 25/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư (có hiệu lực thi hành từ ngày 20/4/2020) cũng được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh đấu thầu cạnh tranh, hạn chế tình trạng khép kín. Điều này cũng tạo thuận lợi cho hoạt động giám sát, từ đó nâng cao hiệu quả của hình thức đầu tư xã hội hóa, bảo đảm quyền lợi của người sử dụng dịch vụ.

 
Nguồn: