TIN MỚI!

Đọc nhanh >>

Giá rau xanh giảm một nửa dịp cận Tết

Thời tiết thuận lợi, người dân tự trồng rau ăn Tết khiến rau ở vùng chuyên canh xã Tịnh Long và Nghĩa Dũng giảm giá một nửa.

Ở bãi bồi ven bờ bắc sông Trà Khúc (TP Quảng Ngãi), nhiều cây cải thìa bị vứt bỏ bên ruộng. Chị Nguyễn Thị Vân, nông dân trồng rau ở thôn An Đạo, xã Tịnh Long cho biết, do cải thìa không có người mua, nên phải nhổ bỏ để những loài rau xen canh phát triển.

Cải thì bị nhổ, vứt bỏ bên ruộng rau ven sông Trà Khúc. Ảnh: Phạm Linh.
Cải thì bị nhổ, vứt bỏ bên ruộng rau ven sông Trà Khúc. Ảnh: Phạm Linh.

Ngoài cải thìa, chị Vân còn trồng hai sào mồng tơi, xen canh với hành, xà lách. Nhưng các loại rau này đều rớt giá. Trong các đợt lũ vừa qua, mồng tơi có giá 15.000-20.000 đồng một kg, hành và xà lách 10.000 đồng một kg, tần ô 3.000 một kg, thì nay các loại rau này đều ở giá 3.000-5.000 đồng một kg. Riêng rau tần ô chỉ còn 1.000 đồng một kg.

Giá thấp nhưng các loại rau này vẫn rất khó tiêu thụ. Do thương lái chợ Sa ở địa phương không thu mua, nông dân phải tự đi bán. Bà Trương Thị Trình, 80 tuổi, một nông dân tại đây cho biết, năm nay giá mồng tơi giống lên đến 280.000 đồng. Trồng gần 500 m2, chi phí giống của bà lên đến gần 600.000 đồng.

Dịp này năm ngoái, khi giá mồng tơi còn hơn 10.000 đồng một kg, bà có thể thu về khoảng 2-3 triệu đồng với vụ rau Tết. "Năm nay tôi mới chỉ bán được hơn 200.000 đồng, nếu giá này bán hết ruộng rau cũng chỉ được hơn một triệu đồng", bà Trình nói.

Tương tự, vùng chuyên canh rau ở xã Nghĩa Dũng, bờ nam sông Trà Khúc với diện tích 90 ha cũng chịu cảnh bán rau với giá rẻ. "Bão lụt làm 5 sào rau nhà tôi ngập úng, trồng lại được gần hai tháng nay thì lại rớt giá", bà Nguyễn Thị Thanh ở xã Nghĩa Dũng than thở.

Rau tần ô chỉ còn 1.000 đồng một kg. Ảnh: Phạm Linh.
Rau tần ô chỉ còn 1.000 đồng một kg. Ảnh: Phạm Linh.

Theo lý giải của các nông dân và thương lái, giá rau ở vùng chuyên canh giảm mạnh do người dân từ nông thôn đến thành thị đều tự trồng ăn Tết, cộng thêm rau nơi khác nhập về.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tịnh Long cho biết, đợt lũ vừa qua xã bị hư hại 35 ha rau, người dân trồng lại 70 ha, nhưng phải chịu giá thấp. "Thời tiết thuận lợi làm rau phát triển tốt, dẫn đến cung nhiều hơn cầu", ông Tuấn lý giải.

Theo thống kê của UBND tỉnh Quảng Ngãi, các đợt bão và mưa lũ trong năm 2020 làm thiệt hại 1.400 ha rau và hoa màu của nông dân. Đến giữa tháng 11, người dân mới bắt đầu trồng lại vụ mới để bán trong dịp Tết, nhưng lại chịu cảnh "được mùa, mất giá".

 

Phạm Linh
Nguồn: