TIN MỚI!

Đọc nhanh >>

PVcomBank: Nhiều tiếng xấu trong dư luận

Kết quả kiểm toán độc lập PVcomBank năm 2020 cho thấy ngân hàng này kinh doanh thua lỗ gần 500 tỷ đồng nhưng vẫn báo lãi. Không chỉ vậy, trong dư luận, PVcomBank cũng để lại nhiều tiếng xấu.

PVcomBank bị tố huy động vượt trần lãi suất

Ngày 29/9/2016, dantri.com.vn có bài viết “PVcomBank bị tố vượt trần lãi suất huy động VND và USD” phản ánh nhân viên phòng giao dịch PVcomBank Nam Đồng (Xã Đàn, Hà Nội) tư vấn khách hàng gửi 450.000 USD và 12 tỷ đồng sẽ được hưởng thêm lãi suất vượt trần so với quy định là 0,25%/năm và 0,5%.

PVcomBank khẳng định không có chủ trương tặng thêm lãi suất để huy động vốn.

Theo đó, dantri.com.vn dẫn đơn thư tố cáo do một nhóm khách hàng gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng và các đơn vị báo chí truyền thông về nhân viên phòng giao dịch PVcomBank Nam Đồng (Xã Đàn, Hà Nội) tên Phương tư vấn cho một khách hàng tên Quý gửi 450.000 USD và 12 tỷ đồng sẽ được hưởng thêm lãi suất vượt trần so với quy định là 0,25%/năm và 0,5%.

Dantri.com.vn đồng thời dẫn thông tin, chiều nay 29/9/2016, PVcomBank đã phát đi thông tin có nhận được nhiều thông tin phản ánh về việc PVcomBank Nam Đồng (địa chỉ: 478 Xã Đàn - Nam Đồng - Hà Nội) tư vấn cho khách hàng vi phạm quy định vượt trần lãi suất của Ngân hàng Nhà nước. Qua kiểm tra, xác minh, PVcomBank xác định đây chỉ là trường hợp đơn lẻ của Phòng Giao dịch Nam Đồng, chứ không phải do thực hiện theo chủ trương của ngân hàng.

Khởi tố cán bộ PVcomBank chi nhánh Thái Bình tội giả mạo trong công tác

Ngày 4/10/2019, tuoitre.vn có bài viết “Khởi tố 2 cán bộ ngân hàng trong vụ doanh nghiệp mất 45 tỉ tiền cọc”. Theo đó, tuoitre.vn dẫn thông tin từ Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình cho biết đơn vị này vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can 2 cán bộ Ngân hàng PVcomBank chi nhánh Thái Bình về tội giả mạo trong công tác quy định tại Điều 359 Bộ luật hình sự. Đối tượng bị khởi tố là Trần Thị Ngọc Thủy (41 tuổi, Trưởng phòng khách hàng cá nhân Ngân hàng PVcomBank chi nhánh Thái Bình) và Nguyễn Thị Hải Hoàn (29 tuổi, Chuyên viên phòng khách hàng cá nhân PVcomBank chi nhánh Thái Bình).

Phối cảnh dự án mà 2 cán bộ ngân hàng đã giúp cho DN trúng thầu. Ảnh VNN

Phối cảnh dự án mà 2 cán bộ ngân hàng đã giúp cho DN trúng th

Theo cơ quan công an, bà Thủy và bà Hoàn bị khởi tố do có liên quan đến việc xác nhận hồ sơ năng lực cho Công ty TNHH đầu tư thương mại tổng hợp Bảo Ngọc (Công ty Bảo Ngọc), địa chỉ giao dịch tại lô 26B.35, khu đô thị Trần Lãm, TP Thái Bình, để đi đấu giá quyền sử dụng đất tại dự án phát triển nhà ở khu quy hoạch dân cư diện tích trên 7,1ha ở xã Đông Mỹ, TP Thái Bình. Kết quả là Công ty Bảo Ngọc bỏ giá cao nhất với mức giá hơn 13,5 triệu đồng/m2 và trúng đấu giá; đồng thời được Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Đặng Trọng Thăng ký Quyết định số 2166/QĐ-UBND công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất và công nhận chủ đầu tư thực hiện dự án phát triển nhà ở thương mại tại xã Đông Mỹ. Tuy nhiên, sau đó Công ty Bảo Ngọc chủ động xin hủy kết quả trúng đấu giá, đồng nghĩa với việc chấp nhận mất trắng gần 45 tỉ đồng tiền đặt cọc là điều kiện để được tham dự phiên đấu giá.

PVcomBank chi nhánh Quy Nhơn ép buộc doanh nghiệp mua bảo hiểm?

Ngày 23/4/2020, tapchitoaan.vn có bài viết “Bình Định – PVcomBank buộc doanh nghiệp mua bảo hiểm trái qui định pháp luật?” phản ánh việc Công ty TNHH DV – VT (Cty Thành Thương) vay tiền mua xe ôtô tải và thế chấp chiếc xe này cho PVcomBank. Dù Cty Thành Thương đã hoàn thành đủ các nghĩa vụ thanh toán nhưng PV comBank không chấp nhận cung cấp bản sao giấy lưu hành xe (cà vẹt xe) với lý do “không tham gia mua bảo hiểm của các đối tác được đặt tại PVcomBank”.

Theo đó, tapchitoaan.vn dẫn thông tin từ Cty Thành Thương cho biết doanh nghiệp này đã ký hợp đồng tín dụng số 1101/2017/HĐTD/PVB-DN.PGDNTH ngày 19/01/2017 với phòng giao dịch Nguyễn Thái Học chi nhánh PVcomBank Quy Nhơn vay số tiền 850.000.000 đồng để mua 01 xe ôtô tải hiệu SHACMAN và thế chấp chiếc xe này cho PVcomBank thời hạn vay 60 tháng với phương thức trả góp hàng tháng. Đến tháng 12/2019 Cty Thành Thương đã hoàn thành đủ các nghĩa vụ thanh toán cho PVcomBank. Tuy vậy đến kỳ hạn cấp bản sao giấy lưu hành xe (cà vẹt xe) vào thời điểm cuối năm 2019, PVcomBank không chấp nhận cấp với lý do Cty Thành Thương vi phạm khoản 1 Điều 4 của hợp đồng thế chấp 1101/2017/HĐBĐ, không tham gia mua bảo hiểm của các đối tác được đặt tại PVcomBank và không đóng tiền bảo hiểm vào tài khoản chuyên thu của PVcomBank. Sau đấy, dù Cty Thành Thương nhiều lần gửi công văn yêu cầu PVcomBank cấp bản sao giấy lưu hành cho xe được hoạt động nhưng vẫn không được chấp nhận.

Tapchitoaan.vn dẫn thông tin từ Cty Thành Thương chia sẻ nội dung Khoản 1 và 2 Điều 4 của Hợp đồng 1101/2017/HĐBĐ của PVcomBank; đồng thời nhận định “phải chăng chính PVcomBank đã vi phạm nghiêm trọng Luật Tổ chức tín dụng và lạm dụng quyền khi cho khách hàng vay tiền để ép buộc người đi vay phải ký vào một hợp đồng đem toàn bộ bất lợi về mình, và nếu không chấp nhận thì không được vay nên bị buộc theo sự sắp đặt từ phía Ngân hàng; PVcomBank không cần phải bỏ tiền túi ra để mua bảo hiểm mà vẫn được hưởng lợi khi tài sản thế chấp là chiếc xe tải SHACMAN biển kiểm soát 77C-136.13 của Cty Thành Thương nếu có xảy ra tai nạn, trong khi người bỏ tiền mua bảo hiểm vật chất cho chiếc xe này chính là Cty Thành Thương”. Cty Thành Thương cũng chia sẻ thông tin, ngày 26/3/2020, PVcomBank đã cử người tới Cty Thành Thương yêu cầu giao nộp tài sản là chiếc xe tải 77C-136.13 cho ngân hàng, trong khi Cty Thành Thương không vi phạm hợp đồng tín dụng, không nợ lãi vay của ngân hàng. Ngày 27/3/2020, PVcomBank gửi công văn lên Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Bình Định yêu cầu thu hồi chiếc xe vì giấy phép lưu hành hết hạn.

Tapchitoaan.vn cho rằng hành động bất thường của PV comBank chi nhánh Qui Nhơn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi hoạt động của Công ty Thành Thương, dẫn đến nguy cơ phá sản dù Cty Thành Thương vẫn thực hiện đủ nghĩa vụ thanh toán cho PV comBank. PVcomBank chi nhánh Qui Nhơn cũng phớt lờ văn bản số 84/QLBH-TKTT ngày 10/3/2020 của Bộ Tài chính ban hành nhằm xử lý, chấn chỉnh tình trạng các Ngân hàng thương mại ép khách hàng vay vốn phải mua thêm gói bảo hiểm kèm theo khoản vay. Tapchitoaan.vn chia sẻ thông tin Luật Ngân hàng không có qui định bắt buộc bên vay phải mua bảo hiểm khi vay, việc khách hàng mua bảo hiểm là thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng với khách hàng vay trên cơ sở ý chí tự nguyện của các bên.

PVcomBank gánh sai phạm bảo lãnh cho WesternBank?

Ngày 13/11/2020, sohuutritue.net.vn có bài viết “Lùm xùm vụ mua bán bạc tỷ: PVcomBank “gánh” sai phạm bảo lãnh cho WesternBank?” phản ánh việc PVcomBank được thành lập trên cơ sở hợp nhất WesternBank và PVFC; kế thừa và tiếp nhận toàn bộ các quyền lợi và nghĩa vụ của WesternBank, trong đó có khoản bảo lãnh của khách hàng Nguyễn Sơn do WesternBank Chi nhánh Cần Thơ phát hành. Tuy nhiên theo PVcomBank, khoản bảo lãnh trên có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc cấp bảo lãnh, nên đã gửi văn bản cho cơ quan công an đề nghị xác minh làm rõ những sai phạm của các bên liên quan trong quá trình bảo lãnh.

PVcomBank “gánh” sai phạm bảo lãnh cho WesternBank? Ảnh minh họa

Theo đó, sohuutritue.net.vn đã dẫn thông tin từ Đoàn Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh Cần Thơ ngày 3/2/2012, thanh tra hồ sơ bảo lãnh của WesternBank cho ông Nguyễn Sơn và đã phát hiện ra các vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Kết luận thanh tra của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ (Công văn số 120/KL-CTH), kết quả thanh tra hồ sơ bảo lãnh cho thấy các hành vi vi phạm quy chế bảo lãnh ngân hàng được ban hành theo Quyết định số 26/2006/QĐ-NHNN ngày 26/6/2006 của Thống đốc NHNN Việt Nam. Cụ thể, việc tiến hành bảo lãnh nhưng thiếu hồ sơ bảo lãnh: Không có phương án kinh doanh hoặc dự án đầu tư khả thi hiệu quả; Thiếu chứng từ, hồ sơ về khả năng tài chính của khách hàng Nguyễn Sơn; Bảo lãnh ban hành không có mục đích bảo lãnh; Nội dung ký Hợp đồng bảo lãnh và phát hành Thư bảo lãnh không có điều kiện; Cấp thư bảo lãnh sai nội dung so với Hợp đồng bảo lãnh; Người ký thư bảo lãnh sai thẩm quyền.

Trưởng phòng dịch vụ khách hàng Pvcombank chi nhánh Đồng Nai cấu kết lừa đảo khách hàng

Ngày 1/1/2021, thanhnien.vn có bài viết “Khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt 70 tỉ đồng tại Ngân hàng Pvcombank Đồng Nai” phản ánh Trưởng phòng dịch vụ khách hàng Pvcombank chi nhánh Đồng Nai cùng với nhân viên, khách hàng và một giám đốc công ty xuất nhập khẩu có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt hơn 70 tỉ đồng của 2 khách hàng khác.

Chị Lê Thị Xuân Bích và anh Trần Bá Thắng tố Ngân hàng PVCombank lừa đảo.

Ảnh: Thương hiệu và Sản phẩm.

Theo đó, thanhnien.vn đưa thông tin Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (Pvcombank) Chi nhánh tỉnh Đồng Nai. thanhnien.vn dẫn thông tin từ Công an tỉnh Đồng Nai cho biết đơn vị này nhận được đơn tố giác tội phạm của bà Lê Thị Xuân Bích (40 tuổi) và ông Trấn Bá Thắng (28 tuổi, cùng ngụ xã Hố Nai 3, H. Trảng Bom, Đồng Nai). Nội dung đơn tố cáo bà Nguyễn Thị Bích Vân (Trưởng phòng Dịch vụ khách hàng) và bà Trần Diệu Hương (Kiểm soát viên) thuộc của PVcombank Đồng Nai, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm (Giám đốc Công ty CP Đầu tư XNK Hoàng Kim), ông Trần Trung Nam là khách hàng của PVcombank Đồng Nai có hành vi chiếm đoạt số tiền hơn 70 tỉ đồng.

Sau khi nhận đơn tố giác, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã điều tra và xác định có dấu hiệu tội phạm “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nên tiến hành khởi tố vụ án hình sự để tiếp tục điều tra.

Đại gia đòi tiền tiết kiệm từ PvcomBank

Ngày 21/5/2021, vnexpress.net có bài viết “Đại gia hơn hai năm đòi 122 tỷ đồng gửi tiết kiệm” phản ánh việc đại gia từng là khách hàng VIP của nhiều ngân hàng ở Hà Nội trở thành người đi đòi tiền gửi tiết kiệm của chính mình ở PVcomBank.

Theo đó, vnexpress.net dẫn thông tin từ anh Toàn (trú phố Hàng Tre, quận Hoàn Kiếm) cho biết, anh có 3 sổ tiết kiệm trị giá 52 tỷ đồng gửi ngân hàng PVcomBank đầu năm 2018. Bản thân anh Toàn quen một đối tượng tên Nguyễn Thị Hà Thành, người này ta tự giới thiệu là nhân viên huy động vốn cho bốn ngân hàng lớn ở Hà Nội. Khi Thành biết anh Toàn có tiền đã đề nghị mượn sổ tiết kiệm để huy động vốn cho ngân hàng, cam kết trả bằng đúng mức lãi suất ngân hàng đang gửi. Do tin tưởng, anh Toàn giao 3 sổ tiết kiệm trên cho Thành và giao thêm một sổ tiết kiệm 20 tỷ đồng ở ngân hàng VietABank, 4 sổ tiết kiệm trị giá 50 tỷ đồng ở Ngân hàng quốc dân NCB, tổng số tiền là 122 tỷ đồng. Sau đó xảy ra vụ Thành giả mạo chữ ký, cầm cố sổ tiết kiệm của anh Toàn để vay ngân hàng. Sau thời gian dài làm việc, tháng 3/2019, anh Toàn được PVComBank trả lại ba sổ tiết kiệm và cam kết trả lại tiền khi có kết luận của cơ quan điều tra. Tuy nhiên đến này anh Toàn vẫn chưa thể lấy lại được tiền; PVComBank trong động thái mới nhất cho hay ba sổ tiết kiệm là vật chứng của vụ án hình sự nên chưa thể trả tiền.

Ông Đặng Nghĩa Toàn bị bảo vệ PVcomBank khống chế, cấm cửa vào ngày 18/12/2020 khi đến đòi quyền lợi

Ảnh TNO.

Vnexpress.net đồng thời dẫn thông tin, ngày 4/1, VKSND Hà Nội ra cáo trạng truy tố Thành cùng các đồng phạm sau hai năm điều tra, trong đó có nhiều người từng là cán bộ ngân hàng. Theo cáo trạng, phía ngân hàng đã tố giác anh Toàn biết việc Thành dùng sổ tiết kiệm để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của ngân hàng. Tuy nhiên, cáo trạng cho hay, nhà chức trách kết luận Thành và đông bọn giấu kín việc giả mạo chữ ký của anh Toàn. Cơ quan tố tụng vì thế không đủ căn cứ chứng minh anh Toàn đồng phạm với Thành trong việc chiếm đoạt tiền như tố giác của ngân hàng. Vnexpress.net cũng dẫn ý kiến Luật sư Trương Anh Tú (Chủ tịch TAT Lawfirm) cho rằng trong vụ án do Thành gây ra, bên bị lừa là ngân hàng (bị hại). Vợ chồng anh Toàn vẫn được coi là khách gửi tiết kiệm. Khi tiền gửi bị thất thoát, ngân hàng phải có trách nhiệm trả lại cả gốc lẫn lãi cho khách hàng theo quy định. Trong trường hợp không rút được tiền tiết kiệm, vợ chồng anh Toàn có thể kiện ngân hàng, yêu cầu bồi thường trong vụ án dân sự khác, bởi theo điều 87 Bộ luật Dân sự.

Thanh Hà (T/h)

Nguồn: